Biến đầm lầy thành khu đô thị hiện đại

29/04/2022 06:29 GMT+7

Giữa cái nắng gay gắt trong những ngày cuối tháng 4, từng tốp công nhân cùng các loại máy xúc, xe lu tất bật thực hiện những công đoạn cuối của dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM).

Người dân TP.HCM lại sẽ được chứng kiến những thay đổi đáng kể nhân dịp kỷ niệm 47 năm thống nhất đất nước.

Đường Nguyễn Văn Linh đang được mở rộng để thành 10 làn xe cho suốt tuyến

Ngọc Dương

Đánh thức khu nam

Hơn 20 năm trước, qua cầu Tân Thuận sang Nhà Bè là gặp một vùng đầm lầy, chằng chịt kênh rạch. Người dân ở các quận khác muốn sang Nhà Bè chỉ có một con đường Liên tỉnh lộ 15 (nay là đường Huỳnh Tấn Phát) nhỏ hẹp qua cầu Tân Thuận. Các ngả khác là phải đi đò.

Nhà Bè là cửa ngõ phía nam với hệ thống giao thông đường thủy nối liền từ trung tâm thành phố ra H.Cần Giờ và các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, kinh tế địa phương kém phát triển, lao động làm việc trong ngành công nghiệp vào năm 1990 chỉ chiếm 0,7% và thương mại - dịch vụ chủ yếu là buôn bán nhỏ dưới dạng hộ tiểu thương. Lúc đó, Nhà Bè đã được đề xuất chọn làm nơi mở khu chế xuất để thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng cũng bị nhiều nhà đầu tư từ chối do giao thông không thuận tiện, vùng đất đầm lầy khó xây dựng… Sau đó, khu chế xuất Tân Thuận thuộc bán đảo Tân Thuận Đông, H.Nhà Bè (nay thuộc Q.7) đã thu hút được Tập đoàn CT&D đầu tư, và chỉ sau vài năm hoạt động đã làm chuyển dịch kinh tế cả một vùng, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Thế nhưng sau khi khu chế xuất Tân Thuận hình thành thì đường đi sang đây vẫn là tuyến đường độc đạo Nguyễn Tất Thành từ Q.4 nối sang, không thể đáp ứng được cho gần cả trăm ngàn lao động và người dân khu nam. Vì vậy, nhà đầu tư lại đề xuất mở con đường nối liền khu chế xuất Tân Thuận với Quốc lộ 1. Sau hơn 10 năm với 3 giai đoạn khởi công, đại lộ Nguyễn Văn Linh dài gần 18 km với 10 làn xe nối liền phía bắc H.Nhà Bè (nay là Q.7) với phía nam H.Bình Chánh ra đời. Để vượt qua một vùng địa hình có nhiều sông lạch, đại lộ có đến 10 cây cầu thì có 3 chiếc được xây dựng theo kiểu vòm bê tông cốt thép, có khẩu độ nhịp giữa là 100 m đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, do không có trụ cầu dưới sông, đồng thời tăng vẻ mỹ quan đô thị. Đây là 3 cây cầu dạng vòm lần đầu được xây dựng tại VN theo công nghệ của Thụy Sĩ.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh chính thức đưa vào sử dụng đã góp phần giải tỏa tình trạng ùn ứ xe trên Liên tỉnh lộ 15, đường Nguyễn Tất Thành, đồng thời phục vụ việc vận chuyển hàng hóa vào ra trung tâm TP. Nếu như trước đó, lượng xe tải chở hàng hàng hóa từ khu chế xuất Tân Thuận, cảng Sài Gòn về các tỉnh ĐBSCL đều phải đi xuyên qua trung tâm TP.HCM thì sau khi đường Nguyễn Văn Linh được lưu thông, việc trung chuyển hàng hóa này được rút ngắn, giảm ách tắc lưu thông trong nội đô… Con đường đã trở thành huyết mạch giao thông nối liền phía tây (Quốc lộ 1 và đường cao tốc TP.HCM đi Trung Lương) với phía đông TP (cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn sang Q.2 đi các tỉnh miền Đông). Có thể nói, con đường này đã làm “sống dậy” khu đầm lầy phía nam, góp phần phát triển kinh tế TP.HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Từng khoảng đầm lầy, rừng lá đã dần dần biến mất để biến thành những khu đất vàng. Q.7 và H.Nhà Bè giờ đã trở thành một điểm đến của nhiều người dân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài với môi trường kinh doanh, sinh sống dẫn đầu của TP.

Tạo đà phát triển cho tương lai

Đi hết gần 18 km của tuyến đường Nguyễn Văn Linh, kéo dài qua các quận 7, 8 và H.Bình Chánh là đã thấy con đường rẽ về miền Tây gần ngay trước mắt. Trời nắng chói chang nhưng người lưu thông không quá mệt mỏi nhờ những hàng cây nối nhau liên tục tỏa bóng mát. Con đường này vẫn duy trì được sắc xanh rợp mát như ban đầu và đây chính là điểm khác biệt lớn nhất so với những tuyến đường lớn của TP.HCM. Ở những đoạn đường vắng ít dân cư, tiếng ve râm ran suốt dọc đường như đang đi giữa một vùng quê thanh bình. Hàng loạt ao cá, ao sen vẫn trải dài hai bên đường dù đã có nhiều chung cư hiện đại, trường đại học to lớn mọc lên. Những công viên cây xanh hòa quyện với hàng vạn mái ngói đỏ, ngói xanh của các cao ốc, khu dân cư sầm uất mang lại hình dáng một khu đô thị phía nam TP bề thế, trù phú nhưng vẫn tạo ra được mảng sinh thái tự nhiên.

Theo chủ đầu tư, toàn bộ tuyến đường hiện có hơn 10.000 cây xanh các loại được trồng, trong đó chủ yếu là cây phèo heo, xà cừ, bàng, bằng lăng. Công tác cắt tỉa, trồng dặm thường xuyên để đảm bảo an toàn trong mùa mưa hay đảm bảo mảng xanh như ban đầu. Những người con của vùng ĐBSCL hay người dân TP.HCM đi du lịch các tỉnh miền Tây thuận tiện hơn khi trở về nhờ con đường này. Còn với những người dân cả đời gắn bó với vùng đất vốn bị ngập do triều cường đã có cuộc sống ổn định, phát triển hơn.

Ông Nguyễn Văn Bé, một người dân ở H.Bình Chánh, cho hay cả đời ông đã chứng kiến được nhiều đổi thay của đất nước nhưng niềm vui lớn nhất cả gia đình nhận được là sau khi có đường Nguyễn Văn Linh. Nếu như trước kia, muốn vào đến Q.8, Q.5 hay trung tâm TP thì phải đi vòng rất xa thì khoảng cách giờ đã ngắn lại. Đó là chưa kể khu nhà ở lọt thỏm giữa sình lầy, sông rạch nên mang tiếng là cư dân của TP.HCM nhưng mọi việc từ cho con cháu đi học đến buôn bán sinh nhai rất vất vả, khó khăn. Vì thế, với gia đình ông, đường Nguyễn Văn Linh đã mở ra một giai đoạn mới tươi sáng, đủ đầy hơn.

Sau 15 năm đưa vào sử dụng, số lượng cư dân, mật độ lưu thông khu vực này đã tăng tốc khiến nạn kẹt xe giờ cao điểm thường xuyên diễn ra trước khu vực cổng vào khu chế xuất Tân Thuận. Vì vậy, việc chủ đầu tư thực hiện mở rộng nâng lên 10 làn xe cho đoạn đường Nguyễn Văn Linh từ Huỳnh Tấn Phát đến Nguyễn Thị Thập dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5 sẽ giải quyết vấn nạn kẹt xe. Song song đó, TP.HCM đang triển khai thực hiện hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dự kiến hoàn thành trong năm 2023 cũng gỡ được “nút thắt” lưu thông xoay quanh nút giao này. Lấy đường Nguyễn Văn Linh làm trục, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm như đường Huỳnh Tấn Phát dự kiến được mở rộng lên 30 m; đường song hành Quốc lộ 50, Quốc lộ 50B (từ cuối đường Phạm Hùng nối sang Long An đến Tiền Giang)… Tất cả sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế và phát triển đời sống xã hội của người dân ở khu nam nói riêng và cả TP.HCM nói chung.

Đường Nguyễn Văn Linh đang được thi công mở rộng với chiều dài phần mở rộng là 2,1 km đoạn tính từ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập tới nút giao Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát. Phần mở rộng thêm có chiều rộng là 26,5 m cho cả hai chiều giao thông. Việc mở rộng lần này hoàn tất 10 làn xe cho cả hai chiều giao thông và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5.

Toàn bộ đại lộ Nguyễn Văn Linh có chiều dài 17,8 km, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Tuyến đường có lộ giới 120 m có 10 làn xe, được khởi công xây dựng từ năm 1996 và khánh thành vào ngày 30.12.2007. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.