Biến dạng BOT: Nhà đầu tư 'tay không bắt giặc'

18/05/2016 05:34 GMT+7

Nhiều dự án BOT được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu rộng rãi đã làm mất cơ hội để chào giá cạnh tranh, tiết giảm được tổng mức đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian hoàn vốn.

Việc chỉ định thầu sẽ trở nên nguy hiểm khi nhà đầu tư năng lực kém, chưa có nhiều kinh nghiệm và thậm chí có doanh nghiệp (DN) còn “tay không bắt giặc”.
Thông xe vẫn chưa góp hết vốn
Trở lại với dự án mở rộng QL14 qua tỉnh Đắk Lắk, kết luận mới đây của Thanh tra Bộ GTVT cho biết, để tham gia dự án có tổng mức 836 tỉ đồng này, các nhà đầu tư phải góp 260 tỉ vốn tự có. Thế nhưng, đến thời điểm thanh tra (8.2015) dù đã thông xe kỹ thuật nhưng có tới 2 nhà đầu tư chưa thực hiện góp vốn theo cam kết, trong khi Công ty Quang Đức (một trong 3 nhà đầu tư) cũng còn thiếu gần 25 tỉ so với cam kết trong hợp đồng BOT.
Cần thanh tra chuyên đề lựa chọn nhà đầu tư
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Bộ KH-ĐT cho biết việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT hiện có hai cách là đấu thầu và chỉ định thầu. Trong đó hình thức chỉ định thầu được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất, được Thủ tướng chấp thuận hoặc trong trường hợp công bố danh mục dự án nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Tổng hợp của Bộ KH-ĐT cho thấy hầu hết các dự án BOT giao thông chủ yếu được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Do đó, Bộ KH-ĐT kiến nghị cần có thanh tra chuyên đề trong thời gian tới đây.

Một ví dụ khác, dự án nâng cấp QL1 đoạn bắc Bình Định do liên danh Tổng công ty Thành An, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Long Trung Sơn... thực hiện. Thời gian “về đích” dự kiến trước ngày 30.6.2015, nhưng đến cuối tháng 5.2015, Công ty Long Trung Sơn vẫn còn thiếu phần vốn chủ sở hữu gần 25 tỉ đồng.
Trên thực tế, câu chuyện khó khăn về vốn chủ sở hữu cũng là vấn đề được cơ quan quản lý rất quan ngại bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình. Ví dụ, trong một báo cáo giữa năm 2015 rà soát tiến độ các dự án BOT, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) đã điểm tên một loạt nhà đầu tư ở phần kiến nghị “cần bổ sung vốn chủ sở hữu”.
Đó là dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà do liên danh Tiến Đại Phát - Phú Xuân và Bình Minh làm chủ. Tính đến thời điểm kiểm tra, dù đã khởi công nửa năm nhưng mới chỉ có 1/7 gói thầu được triển khai và chủ đầu tư vẫn chưa bố trí đủ kinh phí chi trả giải phóng mặt bằng cho các hộ dân phía Hà Nam. Đây là số tiền mà DN thường phải bỏ ra đầu tiên bằng tiền tự có.
Hay một trường hợp khác là dự án nâng cấp QL18 giai đoạn 2 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí do nhà đầu tư là Công ty CP phát triển Đại Dương đảm nhiệm, cơ quan quản lý cũng kiến nghị DN đẩy nhanh việc huy động vốn. Tương tự, dự án mở rộng QL1 nam Bình Định của liên danh Hoàng Sơn - Kiến Hoàng cũng bị cơ quan quản lý nhắc nhở với lý do chưa góp đủ số vốn chủ sở hữu theo tiến độ hợp đồng dù đã khởi công từ 8 tháng trước đó…
Trong một số lần đi kiểm tra thực địa hay cả những cuộc họp đốc thúc tiến độ đại công trình QL1 năm 2014, Bộ trưởng GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng đã yêu cầu các ban quản lý dự án phải loại ngay nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Có lần ngay giữa công trường dự án hầm Phú Gia Phước Tượng, ông Thăng đã chỉ đích danh tên người đứng đầu dự án và cảnh báo nếu chủ đầu tư định “tay không bắt giặc” thì sẽ bị thay thế.
Khi góp ý với Chính phủ về đề xuất cần có một gói tín dụng cho giao thông, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận rằng, vướng mắc của ngành ngân hàng xuất phát từ chính các chủ đầu tư đề nghị vay vốn như năng lực của một số nhà đầu tư còn yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng dự án, đẩy rủi ro cho hệ thống các nhà băng.

tin liên quan

Biến dạng BOT
Cuối tuần trước, trạm thu phí Phả Lại trên QL18 chính thức ngừng thu sau hơn 5 năm hoàn vốn cho dự án BOT đoạn Uông Bí - Hạ Long.
Chọn nhà đầu tư kiểu "Hai bên cùng có lợi"
Để ngăn chặn tình trạng các nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, tháng 7.2014 Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 8003 quy định về năng lực tài chính của các nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Theo đó, các nhà đầu tư phải đóng 100% vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi thành lập DN dự án, và dự án chỉ được ký hợp đồng chính thức khi nhà đầu tư đã góp đủ 100% vốn chủ sở hữu. Trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu về vốn chủ sở hữu, hợp đồng ký tắt của dự án sẽ không còn hiệu lực và Bộ GTVT có quyền thay thế nhà đầu tư khác, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và nhà đầu tư không được đền bù bất kỳ chi phí nào đã bỏ ra.
Tại báo cáo mới đây gửi Thủ tướng về các dự án BOT giao thông, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng hiện nay các quy định về công tác thẩm định năng lực nhà đầu tư còn nhiều tồn tại. Theo đó, cách phổ biến là cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tài chính của DN với phần vốn tự có. Còn nguồn vốn huy động thì chỉ cần nhà đầu tư xuất trình văn bản cam kết cho vay của tổ chức tín dụng. “Điều này dẫn đến tình trạng là lúc lựa chọn nhà thầu thì DN có đủ năng lực tài chính, nhưng trong quá trình thực hiện có thể không còn khả năng”, Bộ KH-ĐT quan ngại.
Với vốn vay, theo cơ quan này, cam kết của tổ chức tín dụng chỉ mang tính hình thức vì thực chất, sau khi nhà đầu tư được lựa chọn, tổ chức cho vay mới triển khai các thủ tục liên quan thẩm định cho vay. Như vậy, sẽ có những trường hợp không đảm bảo nguồn tài chính như khi lựa chọn nhà đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH-ĐT cho rằng các điều khoản hợp đồng phải quy định rõ tiến độ huy động vốn, tiến độ thực hiện dự án và chế tài xử lý các trường hợp không huy động được vốn.
Trả lời Thanh Niên, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận xét nếu cơ quan quản lý nghiêm túc thì sẽ rất khó có tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. “Chẳng qua nhiều khi vì cả nể, nhân nhượng nhau hoặc thậm chí “cả hai cùng có lợi” trong trường hợp có DN sân sau nên mới xảy ra tình trạng này", ông Thiên nhận xét.
Theo ông Thiên, chỉ cần các cơ quan giám sát nghiêm túc, làm việc đúng chức năng để buộc DN dự án thực hiện theo đúng các điều kiện đặt ra về vốn tự có theo hợp đồng hoặc quy định thì sẽ hạn chế tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.
TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright, đánh giá mấu chốt là ở quy trình tuyển chọn nhà đầu tư ít qua đấu thầu công khai. Thực tế, việc quy định vốn chủ sở hữu phải có ít nhất 15% tổng vốn dự án như hiện nay không phải là thấp. “Đây cũng là thông lệ thế giới vì thật ra có những dự án hàng tỉ USD thì đòi hỏi vốn tự có 5% cũng là nhiều”, ông nói.
Đình chỉ thu phí nếu đường kém chất lượng
Tổng cục Đường bộ VN vừa có công điện yêu cầu Cục Quản lý đường bộ; Cục Quản lý đường bộ cao tốc; các sở GTVT và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT khắc phục kịp thời các hư hỏng tại những công trình đường bộ theo hình thức BOT đã đưa vào khai thác.
Đặc biệt, với cơ quan quản lý, khi yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa hư hỏng trên tuyến đường, phải quy định thời điểm bắt đầu và thời hạn hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa. Sau 3 - 5 ngày phát hiện hư hỏng trên dự án mà nhà đầu tư không có chuyển biến tích cực, Tổng cục Đường bộ VN sẽ đình chỉ thu phí theo quy định.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết đình chỉ thu phí đối với các công trình BOT có vi phạm chất lượng trong giai đoạn khai thác mà không được sửa chữa kịp thời.
M.Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.