Biến dạng di tích - Kỳ 2: Cắt khúc lăng Hoàng Gia

10/09/2013 03:15 GMT+7

Trải qua thăng trầm và nhiều lần trùng tu, sửa chữa, lăng Hoàng Gia giờ đã thay đổi rất nhiều so với nguyên bản.

>> Biến dạng di tích - Cổ tự thành tân tự

 Đền thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng - d
Đền thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng - Ảnh: H.P

Đền thờ và khu mộ Phạm Đăng Hưng (thân phụ Hoàng thái hậu Từ Dũ) tại giồng Sơn Quy, xã Long Hưng, TX.Gò Công (Tiền Giang) còn gọi là lăng Hoàng Gia, là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì mộ của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng được xây dựng theo hình “ngưu miên”, lấy hình thế giồng Sơn Quy làm điểm tựa, bên ngoài có 3 vòng thành, sau mộ có 2 bức bình phong. Tất cả được xây bằng hợp chất ô dước, các đường gờ mềm mại, uyển chuyển. Sau những lần trùng tu, khu mộ có thêm hợp chất xi măng trang trí một số bức phù điêu và hoa văn kiểu Pháp nên giống như một bức tranh tổng hợp các đường nét tây, ta. Ngôi mộ này trước đây hai bên có 2 con kỳ lân nhưng đã bị lấy cắp. Ngoài hình dáng ngôi mộ, chỉ có tấm bia mộ còn giữ nguyên vẹn, các phần còn lại thì đã qua nhiều lần tu sửa không còn nguyên bản. Những hoa văn trang trí kiểu Pháp có thể được thêm vào từ những lần tu sửa đầu tiên vào năm 1889, tức năm Thành Thái nguyên niên và năm 1921, tức năm Khải Định thứ 6.

Cũng theo ông Tường, đáng tiếc là trong đợt trùng tu gần đây nhất vào cuối thập niên 1990, các cơ quan chức năng đã không nghiên cứu phục hồi lại những di vật của tiền nhân bị mất mà tiếp tục phá bỏ, thay thế. Cụ thể là trước khi trùng tu, trước ngôi mộ còn có các trụ biểu cao trông rất uy nghi, nhưng sau khi trùng tu đã bị chặt xuống thay thế bằng các trụ thấp, gắn búp sen. “Thời phong kiến, trước nhà quan lại thường có những cây trụ biểu để người dân dán vào đó những thắc mắc khiếu nại, giống như hộp thư bây giờ. Từ đó, trước mộ các quan đại thần có tục xây những cây trụ biểu mang tính tượng trưng, cho nên nó cần phải giữ lại làm tư liệu lịch sử cho đời sau hiểu được ý nghĩa”, ông Tường nói.

Năm 1889, Hoàng thái hậu Từ Dũ sai vua Thành Thái về Gò Công thăm lăng mộ và thắp nhang tổ tiên. Bà cũng chuẩn bị sẵn việc cho khắc lại bia ca ngợi công đức ông Phạm Đăng Hưng để dựng tại đền thờ ở Huế và một tấm bia dựng tại khu lăng mộ ở Gò Công bằng đá hoa cương Biên Hòa, thay cho tấm bia gốc bằng đá cẩm thạch trắng đã bị người Pháp tịch thu khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn năm 1858. Tấm bia bị người Pháp tịch thu sau thời gian lưu lạc ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi rồi được đưa vào Bảo tàng TP.HCM, đến năm 1998 thì Sở VHTT Tiền Giang đưa về và xây miếu dựng lại ở khu mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng.

Cắt làm 3 khúc để thờ

Sau chuyến đi của vua Thành Thái, ngôi từ đường tại lăng Hoàng Gia được xây dựng với kiểu nhà 3 gian 2 chái, cột gỗ, mái ngói, phía trước có thảo bạt. Quần thể kiến trúc nhà gồm cổng tam quan, sân, hồ sen, nhà thờ, nhà khách, nhà khói, nhà chỉnh y phục, được bao bọc bằng một bức tường cao. Theo ông Tường thì việc bà Từ Dũ gửi tiền về sửa lại lăng mộ và từ đường, chủ yếu là thử xem lòng dân Nam kỳ có còn nhớ tới triều đình hay không. Bởi vì thực tế nhà Nguyễn lúc bấy giờ rất nghèo. Tích thiện đường chỉ là mô hình nhà thờ chứ không thể xây dựng thành một từ đường quy mô tráng lệ được.

Cổng từ đường là một cái phường 2 tầng có mái, trước đó có treo tấm biển đề 3 chữ Tích Thiện đường, là chữ của vua Tự Đức ban tặng. Dưới mái phường đắp hình các loại trái cây, hoa, thú... Trong lần chỉnh trang này cũng có nhiều hoa văn kiểu Pháp được sử dụng. Nhưng tấm biển Tích Thiện đường thì đã bị thất lạc không rõ vào lúc nào.

Đặc biệt trước cửa từ đường còn có câu đối cũng của vua Tự Đức ban tặng:

Tích đức dĩ di, vạn thế vĩnh lại/Thiện gia tất hữu, bá phước dịch tuy (Tích đức lấy truyền, muôn đời luôn cậy dựa/Thiện gia ắt có, trăm phước nối an khang)

Tiếc rằng trong lúc trùng tu, chẳng hiểu vì người ta không chú ý hoặc không biết chữ Hán mà có nhiều chữ bị đắp ngả nghiêng lật nhào không đọc được. Ông Tường còn cho biết thêm, tám chữ Tích đức dĩ di, vạn thế vĩnh lại là những chữ nằm trong đồng tiền thưởng của ông Phạm Đăng Hưng mà người đời sau không biết trân trọng. Nhưng không chỉ có các biển hiệu, câu đối chữ Hán mà cả chữ quốc ngữ cũng bị viết sai. Chẳng hạn như ở hai bên từ đường có 2 dòng chữ Khải Định lục niên Tân Dậu trùng tu 1921 và Thành Thái quơn niên Kỷ Sửu kiến tạo 1888. Ở đây chữ ngươn/nguyên lại bị viết thành chữ quơn không có ý nghĩa gì hết, vậy mà nó vẫn tồn tại hơn chục năm qua mà không ai để ý sửa chữa.

Ngoài ra, trong nhà thờ, người ta thấy tấm biển hiệu quan trọng là Phạm phủ từ lại treo một bên, còn các biển có nội dung ca ngợi bình thường như Quan thế trạch, Đức Lưu phương đúng ra phải treo hai bên thì lại treo gian chính giữa... Chưa kể còn nhiều hiện vật bị sửa sang không đúng quy cách mỹ thuật như tấm khảm chạm tứ linh xưa lại đặt trong một cái khung hoa văn kiểu tây. Nhiều tác phẩm chạm trổ các hoa văn cận đại, hiện đại đứng gần nhau tạo thành một tác phẩm không giống ai.

Chưa hết, ở gian thờ chính có bố trí 5 bàn thờ ngũ đại (5 đời): Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, còn người cha (Phạm Đăng Long) thì thờ gian tả, ông nội (Phạm Đăng Danh) thờ gian hữu, gian tả ngoài thờ ông cố (Phạm Đăng Tiên) và gian hữu ngoài thờ ông sơ (Phạm Đăng Khóa). Bài vị trên các bàn thờ đều được phục chế, sơn son thếp vàng. Thế nhưng, trên bàn thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng có 3 khánh thờ với 3 bài vị tách riêng tên họ, chức tước như: Đức Quốc công (tước) - Lễ bộ thượng thư (chức) và Phạm Đăng Hưng (tên). Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì: “Đúng ra phải viết chung một bài vị là Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng mới đúng, đằng này người ta lại cắt ông thành... 3 khúc để thờ”. 

Ngọc Phan - Hoàng Phương

>> Biến dạng di tích phố cổ Hội An
>> Trùng tu hay phá hoại di tích văn hóa nhà Trần ?
>> Trùng tu hay phá hoại di tích văn hóa nhà Trần? - Kỳ 2: Làm rõ thái độ 'bình chân như vại
>> Chấn chỉnh cảnh quan trước di tích quốc gia
>> Tu bổ 11 di tích ở Hội An
>> Tiếp tục khai quật di tích thành Hoàng Đế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.