Biên giới Belarus - Ba Lan tiếp tục nóng

14/11/2021 07:35 GMT+7

Căng thẳng tại biên giới Belarus - Ba Lan vẫn chưa hạ nhiệt, dù Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng đang đạt được tiến triển trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tại đây.

Lực lượng Ba Lan canh gác dọc theo biên giới ngày 11.11

Reuters

Ước tính có khoảng 3.000 - 4.000 người di cư đến từ Trung Đông và Afghanistan vẫn tập trung tại biên giới Belarus - Ba Lan, và các bên đang tìm cách giải quyết tình trạng này. Theo Reuters, Iraq đang lập danh sách các công dân mắc kẹt tại biên giới và tổ chức các chuyến hồi hương cho những ai muốn về nước. Chính quyền Baghdad cũng tạm thời đóng cửa các phái bộ ngoại giao của Belarus cấp thị thực du lịch cho công dân Iraq. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo áp dụng lệnh cấm bay tuyến Thổ Nhĩ Kỳ - Belarus đối với người Iraq, Syria và Yemen.

AFP hôm qua dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này đang tiến hành thương thuyết với các hãng hàng không và những quốc gia nằm dọc theo các tuyến di dân đến EU, bàn về các biện pháp ngăn chặn làn sóng người di cư.

Tổng thống Putin nói gì sau cảnh báo bất ngờ của tổng thống Belarus?

Về phần mình, Belarus cũng gửi trả khoảng 2.000 người nhập cư bất hợp pháp về nước họ. Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei cho biết nước này cách đây 1 tháng đã rút giấy phép hoạt động của 30 công ty du lịch chuyên tổ chức các chương trình nhập cư trái phép vào EU thông qua cửa ngõ Belarus.

“Chúng ta đang chứng kiến tiến triển trên mọi mặt”, Reuters dẫn lời ông Margaritis Schinas, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Ông Schinas chuẩn bị tới Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục tìm hướng giải quyết.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình tại biên giới Belarus - Ba Lan, và Mỹ cũng đã trao đổi với Nga lẫn Belarus về vấn đề này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow không hề liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về làn sóng người di cư đang diễn ra ở châu Âu, sau thời gian áp dụng chính sách gây khủng hoảng ở Trung Đông. Hiện Nga tiếp tục triển khai các động thái ủng hộ quân sự đối với Belarus, bao gồm thực hiện những sứ mệnh tuần tra chung với đồng minh, tổ chức diễn tập gần biên giới.

Láng giềng lo khủng hoảng biên giới Belarus-Ba Lan có nguy cơ leo thang thành xung đột

Trả lời phỏng vấn Đài Times Radio, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, tướng Nick Carter nhận định nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Nga và phương Tây đang ở mức cao nhất trong vòng 44 năm. Anh đã gửi một đơn vị đến Ba Lan nhằm ủng hộ nỗ lực của chính quyền Warsaw trong việc củng cố biên giới với Belarus.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.