Biến khát vọng thành hành động cụ thể

18/03/2023 08:03 GMT+7

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị các bạn trẻ hãy biến khát vọng thành hành động cụ thể để đóng góp cho đất nước.

Chiều 17.3, tại Hà Nội, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tiếp sóng của hơn 11.000 điểm cầu trong và ngoài nước và gần 282.000 đoàn viên thanh niên tham gia. Diễn đàn gồm 2 chủ đề "Phát huy sức trẻ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc" và "Đồng hành, tạo môi trường để thanh thiếu nhi phát triển toàn diện".

Biến khát vọng thành hành động cụ thể - Ảnh 1.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn chia sẻ trực tuyến với các đoàn viên thanh niên trong cả nước

Đậu Tiến Đạt

Tham dự chương trình có đại biểu khách mời từ các bộ, ban, ngành T.Ư. Tham gia giao lưu và trao đổi có 6 thành viên trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn, gồm: anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN; anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên VN; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN.

Biến khát vọng thành hành động cụ thể - Ảnh 2.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy trao đổi với đoàn viên thanh niên bên lề diễn đàn

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Từng đoàn viên thanh niên phải tham gia chuyển đổi số

Tại diễn đàn, nhiều bạn trẻ quan tâm, đặt câu hỏi với Ban Bí thư T.Ư Đoàn về việc làm thế nào để chuyển đổi số thành công. Theo anh Bùi Quang Huy, chuyển đổi số là thay đổi "có tính phá hủy", bởi sẽ thay đổi phương thức làm việc cũ. Theo anh Huy, chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người, chuyển đổi thói quen từ môi trường thực lên môi trường số nên xây dựng "con người số" là yếu tố quan trọng nhất. Hai vấn đề chính của con người trong chuyển đổi số là nhận thức và năng lực. Phải có nhận thức số, năng lực số mới dẫn đến "hành động số". Vì vậy, việc xây dựng "con người số", "thanh niên số" phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nâng cao năng lực số cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên.

Anh Huy cũng cho biết T.Ư Đoàn đang xây dựng đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên VN giai đoạn 2023 - 2030" trình Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số. Từng đoàn viên thanh niên phải tham gia vào quá trình này và bản thân đoàn viên thanh niên tự nâng cao năng lực cho mình thì quá trình chuyển đổi số mới thành công.

Tạo cơ chế tôn vinh các tài năng trẻ

Tại diễn đàn, PGS-TS-BS Đào Việt Hằng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ VN toàn cầu, chia sẻ thời gian qua, các hoạt động phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ được Đoàn thanh niên và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức làm rất tốt. Rất nhiều tài năng trẻ đã được nhận các giải thưởng, danh hiệu cao quý, đã được biểu dương, động viên kịp thời. Họ thực sự được tạo thêm động lực từ những hoạt động như vậy.

Chị Hằng cũng hy vọng trong tương lai, các tài năng trẻ đã được tôn vinh sẽ nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ từ phía T.Ư Đoàn, các cơ quan, tổ chức để họ có thể hoàn thiện bản thân, có đóng góp tích cực cho cộng đồng và cho sự phát triển của đất nước.

Trân trọng các đề xuất mang tính hiến kế của chị Hằng cũng như các ý kiến trước đó, anh Bùi Quang Huy đánh giá Mạng lưới Trí thức trẻ VN đã làm được nhiều việc, đóng góp nhiều cho sự phát triển đất nước thời gian qua. Anh Huy cho biết T.Ư Đoàn cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành đề án phát hiện các trí thức trẻ, trong đó có các mục tiêu, giải pháp hỗ trợ để phát triển các tài năng trẻ của đất nước. Ngày 16.3, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư Đảng tổ chức tọa đàm xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ trẻ. Trong đó, Ban Tổ chức T.Ư Đảng đã đặt hàng T.Ư Đoàn tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ.

"Hy vọng thời gian sắp tới, các bạn trí thức trẻ sẽ sát cánh cùng T.Ư Đoàn tham gia các công việc cụ thể. Đề án của Chính phủ đã phê duyệt khá rõ các mục tiêu và giải pháp, mong các bạn trí thức trẻ trong và ngoài nước sẽ tham gia đóng góp cho nguồn lực của đất nước trong thời gian sắp tới", anh Huy nói.

Nhân lên các giá trị tốt đẹp của dân tộc

Cho rằng internet, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích, song cũng có nhiều mặt tiêu cực ảnh hưởng tới tâm sinh lý và hành vi của thanh thiếu nhi, đặc biệt là các thông tin sai sự thật rất khó phân biệt, nhận diện được, nhóm hơn 80 bạn trẻ đề nghị Ban Bí thư T.Ư Đoàn chia sẻ giải pháp để giúp thanh niên tăng cường "sức đề kháng" trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội.

Chia sẻ với các bạn trẻ, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết Thủ tướng đã ký ban hành Đề án tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi. T.Ư Đoàn cũng đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai cụ thể, tập trung vào 4 nội dung chính. Thứ nhất, mỗi bạn trẻ cần có văn hóa sử dụng mạng xã hội. Quốc hội đã ban hành luật An ninh mạng, T.Ư Đoàn thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm... giúp các bạn trẻ có đầy đủ kỹ năng để sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả.

Thứ 2 là phải tự trang bị, làm phong phú thêm kho tàng kiến thức, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các kế hoạch của T.Ư Đoàn; tham gia tích cực vào hoạt động của Đoàn, Hội. "Điều này giúp thanh niên vừa có lý luận, vừa có thực tiễn để có bề dày nhận thức chung. Khi có nguồn tin chính thống được kiểm chứng, T.Ư Đoàn có Báo Thanh Niên, Báo Tiền Phong, thậm chí gọi trực tiếp cho chúng tôi để kiểm chứng thông tin tốt, xấu", anh Lương nói.

Theo anh Lương, muốn tin tiêu cực ít đi thì phải chung tay giữa các bạn trẻ, lan tỏa những cử chỉ đẹp, lời nói hay, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Cái đẹp, tốt, nghĩa cử hằng ngày bên cạnh chúng ta nhiều lắm, nếu chúng ta cùng thông tin, tiêu cực sẽ ít đi.

Bên cạnh đó là tuổi trẻ phải thực sự bản lĩnh, phê bình, đấu tranh những cái tiêu cực, cái xấu trên mạng xã hội. Nếu thực hiện đầy đủ những điều trên sẽ có những "lá chắn" vững chắc, "tế bào" khỏe mạnh, có lăng kính để lọc những cái xấu, cái tốt.

Kết thúc diễn đàn, nhắc lại tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắn gửi tới thế hệ trẻ cả nước hai chữ "Tiên phong", rất toàn diện và sâu sắc, anh Huy nói: "Tôi mong rằng các bạn hãy luôn ghi nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư, hãy luôn "tiên phong" trong các lĩnh vực khó khăn nhất, vươn lên trong học tập, trong rèn luyện, lao động. Biến mục tiêu khát vọng thành hành động cụ thể, hành động chưa chắc thành công nhưng không hành động chắc chắn không có kết quả. Diễn đàn này có sự kết nối rất đáng quý với hơn 11.000 điểm cầu, từ cấp chi đoàn tới Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Mong tinh thần tiên phong luôn ở trong cán bộ Đoàn, các đoàn viên để đóng góp cho đất nước, với mục tiêu năm 2045 VN thành đất nước phát triển".

Xây dựng "làng quê đáng sống"

Trước trăn trở của các bạn trẻ về việc để tạo bản sắc riêng, thu hút người dân xa quê trở về nhiều hơn, anh Ngô Văn Cương cho biết đây là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn trong xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, T.Ư Đoàn có đưa ra hướng dẫn cụ thể và có giải pháp cụ thể để phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Vừa qua, T.Ư Đoàn phát động ngày cao điểm đồng loạt ra quân thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới để thanh niên tham gia vào công việc này. Đặc biệt, do dịch Covid-19, nhiều thanh niên về quê làm việc, T.Ư Đoàn đã có giải pháp để thanh niên nông thôn lập nghiệp; được tiếp cận nguồn vốn để lập nghiệp trên chính quê hương mình. Tới đây, T.Ư Đoàn sẽ lựa chọn 3 thôn, bản để triển khai điểm cấp T.Ư. Các tỉnh, thành đoàn lựa chọn 1 thôn, bản/năm để triển khai xây dựng mô hình "Làng quê đáng sống". Đây là những mô hình mẫu để lan tỏa ra toàn quốc.

Trước sự quan tâm của các bạn trẻ về môi trường, anh Cương cũng cho biết công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu rất quan trọng. Vì vậy, T.Ư Đoàn đã có giải pháp cụ thể, đặc biệt là xử lý rác thải tại nguồn, bởi đây là giải pháp hết sức quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Trao đổi về việc bảo vệ trẻ em và hỗ trợ tương tác lành mạnh trên không gian mạng, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã triển khai rất nhiều hoạt động, sân chơi lành mạnh, bổ ích, sáng tạo trên không gian mạng cho các em thiếu nhi. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn và Đội đã tuyên truyền về luật Trẻ em, triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động sinh hoạt, rèn luyện của các em thiếu nhi; triển khai chương trình "Tuổi trẻ VN, rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai" gắn với ứng dụng "Hướng nghiệp" cho học sinh THCS, góp phần trang bị, hoàn thiện kỹ năng cho các em, định hướng về nghề nghiệp và khơi dậy trong các em khát vọng vươn lên, tinh thần chia sẻ, yêu thương với cộng đồng, xã hội.

T.Ư Đoàn và các cấp bộ Đoàn có nhiều hoạt động phối hợp lên tiếng bảo vệ trẻ em với các trường hợp xâm phạm quyền trẻ em trên môi trường mạng; tham gia mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Lan tỏa các hoạt động tình nguyện quốc tế

Anh Nguyễn Tường Lâm cho rằng những hoạt động tình nguyện quốc tế, cứu trợ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã khẳng định trách nhiệm, vị trí và hình ảnh của VN trên cộng đồng quốc tế. Ở cấp độ khác, chúng ta có những hoạt động tình nguyện với địa bàn giáp biên giới tại Lào, Campuchia. Đối với địa bàn khác, ngoài Nhật Bản, hiện nay chúng ta có 21 tổ chức Đoàn, Hội sinh viên ở các nước và có nhiều hoạt động tình nguyện. Ví dụ, trong dịch Covid-19 vừa rồi, ngoài Nhật Bản, thì tổ chức Đoàn, Hội sinh viên ở Nga, Czech… tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện không chỉ người Việt, mà còn có nước sở tại.

"Khi tổ chức các hoạt động tình nguyện quốc tế, tôi nghĩ các bạn ở nước ngoài có thể liên hệ với tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên VN đã có ở 22 quốc gia. Ngoài ra, nếu có dự án cụ thể, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với Ban Quốc tế (Trung tâm tình nguyện quốc gia) để cùng phối hợp tổ chức. Bên cạnh các hoạt động tình nguyện tại nước sở tại, các hoạt động tình nguyện của tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài hãy hướng về quê hương, đất nước mình, hòa chung với các hoạt động tình nguyện ở trong nước", anh Lâm nói.

Khuyến khích sáng tạo trên không gian mạng

Theo anh Nguyễn Minh Triết, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã xác định phải đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục của Đoàn; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới các sản phẩm tuyên truyền hiện đại, hấp dẫn, truyền tải thông điệp lịch sử một cách mới mẻ, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thanh thiếu nhi hiện nay.

Các sản phẩm được tuyên truyền đa dạng trên các kênh, các nền tảng khác nhau để đa dạng cách tiếp cận với đoàn viên, thanh thiếu nhi. Theo anh Triết, với thị trường việc làm, đất nước hội nhập nên nhiều công việc mới gắn với công nghệ. Anh Triết cũng nhắn nhủ với các bạn làm nghề sáng tạo nội dung trên không gian mạng, đây là nghề mới nên việc đầu tiên khi theo nghề này là tuân thủ pháp luật.

"Trong sáng tạo nội dung, chúng tôi khuyến khích các bạn lan tỏa những câu chuyện đẹp, năng lượng tích cực. Bởi kênh thông tin của các bạn luôn thu hút rất đông người xem, trong đó có rất nhiều thanh niên. Nếu như những câu chuyện đẹp, ý nghĩa được sản xuất nhiều hơn, được lan tỏa nhiều trên không gian mạng thì chúng tôi rất hoan nghênh", anh Triết nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.