Bộ NN-PTNT khẳng định, thông báo tạm ngừng đánh cá trên Biển Đông, trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, mà Trung Quốc (TQ) đưa ra là không có giá trị. Những ngày qua, cái gọi là quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông phi lý, vô giá trị của TQ khiến ngư dân ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam, phản đối quyết liệt và khẳng định cương quyết bám biển để bảo vệ ngư trường.
Trong những lần chứng kiến ngư dân bị tàu TQ vô cớ tấn công làm chìm tàu, thậm chí bị từ chối cứu hộ và còn bị ép buộc ký vào biên bản “vi phạm chủ quyền”, trở về sau chuyến tàu bão tố, chúng tôi nhìn thấy rõ sự mệt mỏi hiển hiện trong mắt họ.
Nhưng khi hỏi rằng: “Có tiếp tục bám biển nữa không?”, thì họ vụt cứng cáp, rắn rỏi như cha ông trước nay đã thế. Với họ, biển là nhà, là Tổ quốc. Nhất là trong thời điểm hiện tại, trọng trách trên vai họ không đơn thuần chỉ là làm kinh tế nữa, mà đó còn là góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước.
Lão ngư Trần Phu (72 tuổi, ở xã Tam Quang, H.Núi Thành) có gần 30 năm bám biển. Vị mặn chát của sóng chảy trong từng thớ thịt cuồn cuộn gân của ông. Ông chia sẻ với tôi: “Các chuyến đi biển giờ không yên ả nữa. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi có ý định bỏ nghề. Ra Hoàng Sa, Trường Sa, thấy tự hào và thiêng liêng lắm!”.
Nhiều lần tưởng chừng như phải bỏ mạng trên biển, trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa; có người mất hết tài sản quý giá là con tàu mà gia đình tích cóp nhiều đời mới có được, nhưng họ vẫn quyết tâm gầy dựng lại từ đầu... bởi với họ biển là nhà, là Tổ quốc, là cuộc sống! Họ sẽ lại quyết bám biển bất chấp mọi lệnh cấm vô lý, vô giá trị từ TQ. Ý chí quyết tâm bám biển của ngư dân vẫn rất vững vàng.
Các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi, những biện pháp an toàn hơn nữa, để tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân duy trì hoạt động thường xuyên trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Bình luận (0)