Biện pháp ngăn dạy thêm, học thêm tiêu cực

01/12/2016 07:34 GMT+7

UBND TP.HCM vừa có báo cáo cụ thể tình hình thực hiện về quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm và đưa ra các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tiêu cực.

Đổi mới dạy học, đánh giá, kiểm tra...
UBND TP nhìn nhận, có nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh (HS). Có giáo viên (GV) giảng không sâu, không truyền đạt hết kiến thức của bài học trong giờ chính khóa nên HS phải tham gia vào các lớp học thêm mới có thể nắm hết được kiến thức của bài học. Tình trạng phân biệt đối xử trong giờ học giữa HS học thêm với HS không học thêm hoặc học thêm với thầy cô khác đã diễn ra, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, có một bộ phận phụ huynh không xuất phát từ nhu cầu của con em mà đua chen theo xu hướng của xã hội, ép con mình đi học thêm quá nhiều, quá tải, dẫn đến không hiệu quả mà còn áp lực, căng thẳng.
Vì vậy, trong thời gian tới, UBND TP chỉ đạo thực hiện một số giải pháp đồng bộ nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Trong đó, TP đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp chuyên môn như các trường thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp. GV không ra bài tập khó về nhà, đảm bảo để HS yên tâm về kiến thức đã được trang bị trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên giờ dạy chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến HS phải đi học thêm.

Các trường phải xây dựng website hỗ trợ học tập hay sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp HS giải đáp ngay các thắc mắc liên quan đến bài học. Hướng dẫn HS tự ôn tập, củng cố, mở rộng kiến thức tại nhà, tăng cường khả năng tự học cho HS.
Sở GD-ĐT có nhiệm vụ tập hợp bài giảng ở tất cả các môn học, các bài ôn tập để cung cấp cho HStham khảo, củng cố kiến thức tại nhà. Ngoài ra, các phòng ban chuyên môn sẽ tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tích hợp các nội dung dạy học, tập huấn chuẩn bị cho các kỳ thi... để HS có thể học tốt tại trường và tự học ngay tại nhà.
Đối với công tác quản lý, TP cũng chỉ rõ hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.
Để hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh do dạy thêm, học thêm, TP tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện giải pháp, chính sách hỗ trợ đời sống, thu nhập cho GV.

Minh bạch đề thi để giảm tiêu cực
Trước các giải pháp mà UBND TP.HCM đề ra, ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), cho biết trường có các bước thực hiện cụ thể. Trước đây, các bài kiểm tra một tiết do GV phụ trách nhưng nay trường tăng cường hình thức kiểm tra theo đề chung. Trước khi kiểm tra, các tổ bộ môn nộp đề bài đề xuất, ban giám hiệu chịu trách nhiệm chọn đề cho các khối để tránh trường hợp tiêu cực. Các bài kiểm tra 15 phút hay kiểm tra miệng, GV từng lớp, từng bộ môn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ban giám hiệu cùng các tổ trưởng bộ môn giám sát chung để kịp thời phát hiện nếu xảy ra việc chênh lệch điểm một cách bất bình thường. Ông Phước cũng cho biết đang kêu gọi các tổ bộ môn đưa bài giảng để kịp thời cập nhật lên website của trường.
Ngoài ra, để giúp HS tham khảo khi ôn tập trước mỗi kỳ kiểm tra hay kỳ thi, nhà trường đưa lên website “kho” đề thi những năm trước, sắp tới là các câu hỏi trắc nghiệm...

Ngoài ra, hiệu trưởng này cũng cho biết trường sẽ phát triển và tận dụng ưu điểm của các kênh tiếp nhận thông tin như đài phát thanh của trường, số điện thoại nóng của hiệu trưởng. Ông Phước khẳng định: “Phụ huynh đừng lo sợ ban giám hiệu bao che hay tiết lộ thông tin cá nhân, hãy phản ánh sự thật, đảm bảo sự việc sẽ được xử lý”.
Còn hiệu trưởng một trường THPT tại Q.1 cho hay nhà trường gửi thư điện tử cho từng GV các thông tư, quy định của Bộ, TP... về dạy thêm, học thêm. Sau đó dành 2 buổi họp hội đồng sư phạm để hướng dẫn và đề nghị GV phải thực hiện nghiêm túc đồng thời yêu cầu GV chấm dứt dạy thêm ở nhà, nếu dạy ở trung tâm phải có phép và làm cam kết không ép buộc HS. Nếu phụ huynh, HS phản ánh GV có hiện tượng tiêu cực, nhà trường sẽ áp dụng các hình thức xử lý theo quy định. Hiệu trưởng này cũng cho biết website của trường phải cập nhật thường xuyên bài giảng, giải đáp kịp thời thắc mắc của HS...

Cần biện pháp bền vững
Nhìn nhận các giải pháp mà UBND TP chỉ đạo thực hiện trong thời gian này là phù hợp nhưng lãnh đạo các trường phổ thông cho rằng để giải quyết triệt để cần phải đồng bộ với việc giảm tải chương trình, hình thức thi cử nhẹ nhàng...
Chính UBND TP cũng cho rằng những giải pháp trên chỉ phù hợp trước mắt còn về lâu dài, TP triển khai đề án Phát triển GD-ĐT đến năm 2030 tập trung các giải pháp chủ yếu như: Dựa vào khung chương trình chung, đề xuất Bộ cho phép xây dựng khung chương trình và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển theo hướng mở. Theo đó, một số môn học bắt buộc phải học theo trình tự lớp (văn - tiếng Việt, toán), các môn khác được tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên 8 môn/năm. Chương trình đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, với thị trường, nâng cao khả năng thực hành của HS, sinh viên. Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.