Trong đó, niềm tin cũng là một biến số, tuy khó định lượng, nhưng có giá trị rất lớn đối với cả nền kinh tế.
Thời gian qua, trong đại dịch Covid-19, người dân đã có niềm tin rất lớn vào quyết sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ dựa trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Nhờ đó, người dân cả nước gần như đồng lòng chống dịch như tinh thần “chống giặc” bao đời nay của dân tộc Việt Nam.
Giờ đây, Việt Nam phần nào trên đà chiến thắng đại dịch, nhưng chúng ta còn một hành trình cũng rất nhiều chông gai. Đó là vực dậy nền kinh tế bị tổn thương bởi đại dịch. Trên hành trình này, nếu giới doanh nghiệp có được niềm tin thì chắc chắn giúp lan tỏa hứng khởi để đẩy nhanh quá trình hồi phục nền kinh tế.
Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Giờ đây, việc thực thi các quyết sách cần được triển khai nhanh chóng từ trung ương đến địa phương. Trong đó, vai trò của cấp địa phương cực kỳ quan trọng, vì nếu để xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh” thì các doanh nghiệp khó có được niềm tin. Thay vì thực thi kiểu “quản không được thì cấm” cho chắc, chính quyền các cấp nên đồng hành cùng doanh nghiệp, để ngành nghề nào có thể hoạt động thì kích thích hoạt động song hành cùng những biện pháp phòng ngừa dịch phù hợp, không “quá liều”.
Dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn xây dựng nền kinh tế thì càng khó hơn. Và đó chính là thách thức được đặt ra để thể hiện năng lực của chính quyền các cấp. Vừa qua, giữa bao lo ngại, nhưng nhà máy của Công ty Pouyuen tại Q.Bình Tân (TP.HCM) với 72.000 công nhân chỉ tạm ngừng hoạt động 2 ngày, gần như vẫn duy trì sản xuất xuyên qua mùa dịch là một thành công lớn, nhất là khi về cơ bản rủi ro dịch bệnh tại đây được kiểm soát. Thành công này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với một doanh nghiệp mà còn tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về cách thức kiểm soát dịch của Việt Nam.
Qua đó, chính quyền nên nhân rộng thành công từ câu chuyện của Công ty Pouyuen bằng cách tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Thay vì bàn đến chuyện tiết giảm quy trình đôi lúc nặng về hình thức để báo cáo thành tích, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nên phải đột phá, táo bạo hơn nữa.
Đó chính là cách để xây dựng niềm tin, để đưa các quyết sách của Chính phủ sớm lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Khi có niềm tin, thì dù không nhận được những hỗ trợ tài chính to lớn, giới doanh nghiệp sẽ vẫn có hứng khởi để nỗ lực đưa nền kinh tế sớm hồi phục theo hình chữ V (có giai đoạn suy thoái ngắn) chứ không phải là hình chữ U (có giai đoạn suy thoái kéo dài).
Bình luận (0)