Biến thể Omicron lan sang nhiều nước châu Á

04/12/2021 07:30 GMT+7

Sự phục hồi vừa mới được hình thành tại châu Á - Thái Bình Dương đang có nguy cơ bị tác động mạnh khi biến thể Omicron lây lan tới khu vực.

Thêm quốc gia Đông Nam Á ghi nhận Omicron

Từ khi được ghi nhận vào tháng 11 đến nay, biến thể Omicron của vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã lây lan ra hơn 20 quốc gia, trong đó có nhiều nước tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ và mới nhất là Sri Lanka và Malaysia.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia

AFP

Reuters hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên của nước này là một sinh viên đã tiêm vắc xin đến từ Nam Phi và có quá cảnh Singapore từ cách đây 2 tuần. Bệnh nhân kết thúc thời gian cách ly hôm 29.11 nhưng giới chức Malaysia đã yêu cầu xét nghiệm thêm sau khi phát hiện người này nhiễm biến thể mới.

Hôm qua, Philippines phát hiện một ca dương tính trong 71 người nhập cảnh từ Nam Phi trong 2 tuần qua và đang xét nghiệm thêm để xác định người này có nhiễm biến thể Omicron hay không. Mối lo từ biến thể mới xuất hiện vào thời điểm khó khăn cho Philippines vì dù số ca nhiễm mỗi ngày đã giảm thấp nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin ít nhất một liều tại nước này mới chỉ đạt 36% dân số. Trong khi đó, Philippines là một trong những nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á với 2,8 triệu ca.

Thế giới bất an vì biến thể Omicron của Covid-19

Mặc dù chưa có nhiều dữ liệu về độc lực và khả năng lây lan của Omicron, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo biến thể này có thể làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm bệnh. Trung tâm mô hình và phân tích dịch tễ học Nam Phi (SACEMA) và Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NICD) của nước này hôm qua công bố nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron gây nguy cơ tái nhiễm cao gấp 3 lần so với biến thể Delta và Beta. Theo nghiên cứu, sự gia tăng số ca tái nhiễm thay vì những ca nhiễm mới là dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đã phát triển năng lực né tránh miễn dịch tự nhiên của những bệnh nhân từng nhiễm bệnh.

Tuy số ca nhiễm biến thể mới là chưa nhiều nhưng sự xuất hiện của vi rút gây đe dọa cho nỗ lực hồi phục của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt tại Đông Nam Á, khi nhiều nước chỉ vừa bước ra khỏi một năm khó khăn. Trước nguy cơ đó, nhiều nước đã khẩn trương áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, tăng cường xét nghiệm.

Sớm chiếm ưu thế

Hôm qua, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cảnh báo việc kiểm soát biên giới chỉ là phương án câu giờ và khuyến cáo các nước trong khu vực nên tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe và tiêm chủng đầy đủ cho người dân, tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách để đề phòng đợt sóng mới do biến thể Omicron, theo AP.

“Không nên chỉ trông cậy vào các biện pháp kiểm soát biên giới. Điều tối quan trọng là chuẩn bị cho những biến thể mới với khả năng lây lan cao. Đến nay, thông tin có được gợi ý chúng ta không cần thay đổi cách tiếp cận”, ông Kasai nói và kêu gọi áp dụng những bài học từ việc đối phó biến thể Delta.

Nguồn gốc biến thể Omicron vẫn còn bí ẩn

Theo đánh giá của bác sĩ Leong Hoe Nam chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore), các loại vắc xin chống lại biến thể mới có thể được phát triển nhanh nhưng cần 3 - 6 tháng để kiểm tra độ hiệu quả. Đến lúc đó, Omicron sẽ chiếm ưu thế và lan khắp thế giới (giả sử biến thể này có tính lây nhiễm cao), Đài CNBC dẫn dự báo của ông Leong.

Mặt khác, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 3.12 thông báo rằng mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron được dự đoán sẽ không cao nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh và độ phơi nhiễm biến thể Delta cao. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý các bằng chứng khoa học vẫn còn tiếp tục xem xét.

Châu Âu, Nam Phi thận trọng

Tại châu Âu, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khu vực (ECDC) cảnh báo biến thể Omicron có thể chiếm hơn nửa số ca nhiễm mới trong vài tháng tới. Theo ECDC, châu Âu đến nay ghi nhận 79 ca nhiễm Omicron nhưng một nửa không có triệu chứng và một nửa có triệu chứng nhẹ. Tuy vậy, trung tâm này nhấn mạnh việc tiêm chủng đầy đủ cho người dân và tiêm nhắc cho người trên 40 tuổi vẫn là mệnh lệnh.

Tại Nam Phi, nhà khoa học hàng đầu Michelle Groome thuộc Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia báo cáo số ca nhiễm gia tăng ở mức “chưa từng thấy” trong thời gian ngắn vì biến thể Omicron, theo Reuters. Đáng chú ý là bệnh nhân nhiễm bệnh đang mở rộng từ nhóm người trẻ tuổi sang nhóm lớn tuổi hơn. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla khẳng định nước này đang ở trong làn sóng thứ tư do tác động của Omicron. Tuy nhiên, ông Phaahla tuyên bố Nam Phi có thể kiểm soát tình hình mà không cần thực hiện các quy định giới hạn nghiêm ngặt trong vài ngày tới nếu toàn bộ người dân tuân thủ các biện pháp an toàn và đi tiêm vắc xin.

Kháng thể đơn dòng của GSK có hiệu quả chống lại Omicron

Sắp tìm ra thông tin quan trọng về Omicron

Nhà khoa học Maria Henao-Restrepo, đồng lãnh đạo chính sách nghiên cứu và phát triển vắc xin trong đại dịch của WHO, cho biết có khoảng 450 nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang gấp rút thực hiện những thử nghiệm để hiểu thêm về biến thể Omicron và thông tin quan trọng có thể được công bố trong vài ngày nữa. “Họ hy vọng rằng điều này sẽ xảy ra trong vài ngày nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên đặt áp lực cho họ”, Bloomberg ngày 3.12 trích lời bà Henao-Restrepo nói trong cuộc phỏng vấn mới đây.

Theo bà Henao-Restrepo, các bên nên cân nhắc thận trọng trong việc quyết định thay đổi thành phần vắc xin để đối phó Omicron vì biến thể Delta vẫn còn là tác nhân chính của đại dịch và các vắc xin hiện nay vẫn đủ sức bảo vệ. Một số hãng sản xuất vắc xin đã bắt đầu nghiên cứu thay đổi để ứng phó với biến thể Omicron nhưng các nhà khoa học nhận xét các vắc xin hiện có đã chứng minh khả năng ngăn bệnh nặng và tử vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.