Theo luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TP.HCM), mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ.
“Về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ sẽ phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 69/2016 của Chính phủ và Thông tư 53/2017 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định 69/2016”, luật sư Lượng nêu và cho biết nguyên tắc kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là tổ chức (không phải là doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp; phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của pháp luật; phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 69/2016; bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Tư Lượng cho hay, khoản 4 điều 7 Nghị định 69/2016 quy định việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ. “Căn cứ theo hợp đồng này, bên mua nợ trở thành chủ nợ mới của khoản nợ và tiến hành đòi nợ theo đúng quy định pháp luật”, luật sư Lượng nhấn mạnh.
Về quy trình, thủ tục đòi nợ như thế nào đối với loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, luật sư Trần Vân Linh (Đoàn luật sư TP.HCM) nói, luật không quy định cụ thể, nhưng khi doanh nghiệp đã mua khoản nợ thì doanh nghiệp đó trở thành chủ nợ và trực tiếp đi đòi nợ mà không cần trình báo chính quyền địa phương.
“Phương thức đòi nợ như thế nào để có hiệu quả tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp, đó là kỹ năng và nghiệp vụ của mỗi doanh nghiệp. Song nếu gây áp lực, uy hiếp, cưỡng chế bên nợ để đòi nợ, đủ dấu hiệu cấu thành một trong những tội danh được quy định trong bộ luật hình sự, chẳng hạn hành vi cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... thì bên chủ nợ mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật định”, luật sư Linh nêu, đồng thời cho biết thêm: “Nếu không đòi được nợ thì doanh nghiệp phải khởi kiện theo thủ tục dân sự hoặc tố cáo hành vi lừa đảo nếu cho rằng đối tượng nợ có dấu hiệu lừa đảo”.
Cũng theo các chuyên gia pháp luật, theo Thông tư 53/2017, hằng năm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải có trách nhiệm báo cáo với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tình hình kinh doanh và chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư liên quan phải báo cáo trở lại cho Bộ Tài chính.
Bình luận (0)