Trước đó, dư luận đã phẫn nộ, bức xúc khi xem clip Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô cháu bé chỉ mới 8 tuổi trong thang máy một chung cư ở Q.4 (TP.HCM).
Mới đây, lại xuất hiện clip một thẩm phán và một giảng viên của trường đào tạo nghiệp vụ kiểm sát bị “tố” ngang nhiên vào nhà người khác “bắt” 3 đứa trẻ lên taxi, rồi lấy nhà, khi bản thân họ không phải là chủ sở hữu hoặc không được chủ sở hữu căn nhà ủy quyền quản lý, sử dụng, định đoạt.
Một chi tiết đáng lưu ý, vị thẩm phán trong clip cũng chính là người cách đây ít tháng từng được phân công “cầm cân nảy mực” xử vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô.
Vụ ông Nguyễn Hữu Linh tòa đã xử sơ thẩm. Vụ thẩm phán, giảng viên bị tố cơ quan chức năng đã vào cuộc, đúng sai ra sao sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, qua những vụ việc này, dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng hình ảnh chưa đẹp của một số cán bộ trong ngành tư pháp đã làm bào mòn lòng tin vào pháp luật đối với người dân.
Vì sao ư? Vì những người có hành vi trên đều rất am hiểu pháp luật, đang thực hành trong ngành pháp luật lại đi làm những việc không tuân thủ pháp luật. Người dân bình thường cũng hiểu rằng, khi tòa án đang thụ lý tranh chấp về căn nhà thì không ai có quyền “đuổi” những người đang ở trong nhà ra ngoài; rằng thủ tục, trình tự “cưỡng chế” hành chính giao nhà (nếu có) chỉ do UBND phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, còn cưỡng chế giao tài sản khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án do cơ quan thi hành án thực hiện...
Người không biết luật mà vô tình vi phạm pháp luật còn phần nào được châm chước. Người am hiểu pháp luật lại vi phạm pháp luật thì cần phải xử lý nặng hơn. Có vậy người dân mới luôn đặt niềm tin vào “thần công lý”.
Bình luận (0)