Phát biểu tại hạ viện ngày 16.3, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tuyên bố bà sẽ kích hoạt điều 49.3 của hiến pháp để bỏ qua cuộc bỏ phiếu về dự luật cải cách lương hưu gây tranh cãi. Động thái này sẽ đảm bảo cho dự luật mới, tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, được thông qua sau nhiều tuần phản đối và tranh luận gay gắt, theo Reuters. Chính phủ Pháp lập luận tăng tuổi hưu là cần thiết cho việc đảm bảo hệ thống lương hưu không bị sụp đổ.
"Có vấn đề về dân chủ"
Tuy nhiên, động thái trên của chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp sự phản đối mạnh mẽ trên khắp nước này. Ông Aurelien Pradie, nghị sĩ thuộc một đảng đối lập cánh hữu, cho rằng động thái của chính quyền Tổng thống Macron có "nguy cơ phá vỡ nền dân chủ ở đất nước này", theo Đài BFM TV. "Chúng ta có vấn đề về dân chủ. Luật này, sẽ thay đổi cuộc sống của người Pháp, đã được thông qua mà không có cuộc bỏ phiếu tại hạ viện", ông Pradie nói.
Bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình chống cải cách lương hưu ở Pháp
Trong lúc Thủ tướng Borne phát biểu tại hạ viện, một cuộc biểu tình tự phát của khoảng 7.000 người chống lại việc cải cách lương hưu tiếp tục kéo dài suốt đêm tại quảng trường Concorde ở Paris. "Với tư cách là một công dân, tôi cảm thấy mình như đang bị lừa. Trong một nền dân chủ, việc đó nên diễn ra thông qua một cuộc bỏ phiếu", AFP dẫn lời giáo viên Laure Cartelier (55 tuổi), tham gia cuộc biểu tình, cho hay.
Khoảng 20 giờ ngày 16.3 (theo giờ địa phương), cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình sau khi một ngọn lửa được đốt lên ở trung tâm quảng trường Concorde, theo AFP. Ngay cả sau khi cuộc biểu tình bị giải tán, một số người biểu tình bắt đầu phóng hỏa và gây thiệt hại cho mặt tiền của vài cửa hàng trên những con phố gần đó. Đến 23 giờ 30 phút, cảnh sát Paris thông báo 217 người đã bị bắt vì bị tình nghi cố tìm cách gây thiệt hại.
Những cảnh tương tự đã xảy ra ở nhiều thành phố khác của Pháp. Một số cửa hàng bị cướp phá trong cuộc biểu tình ở TP.Marseille, trong khi cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh nổ ra ở hai thành phố Nantes và Rennes. Các công đoàn ở Pháp còn kêu gọi tổ chức thêm một ngày đình công và cuộc biểu tình lớn vào ngày 23.3.
"Thất bại hoàn toàn"
Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách lương hưu trước đó vào ngày 16.3, nhưng tình trạng các nghị sĩ đối lập cánh hữu ở hạ viện không đứng về phía Tổng thống Macron đồng nghĩa với việc chính phủ đối mặt thất bại ở hạ viện. Việc sử dụng quyền hiến định đặc biệt để thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng chính phủ thiếu đa số phiếu để tăng tuổi nghỉ hưu. "Đó là một thất bại hoàn toàn đối với chính phủ", AFP dẫn lời nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen.
Việc chính phủ Pháp thông qua dự luật cải cách lương hưu mà không có cuộc bỏ phiếu có khả năng sẽ tiếp tục chọc giận các công đoàn, người biểu tình và các đảng đối lập cánh tả, khi họ cho rằng dự luật đó không công bằng và không cần thiết, theo Reuters. Các cuộc thăm dò cho thấy 2/3 người dân Pháp phản đối cuộc đại cải cách lương hưu.
Ngoài ra, ông Antoine Bristielle, một chuyên gia về dư luận tại tổ chức tư vấn Jean-Jaures (Pháp), nhận định việc ban hành một luật quan trọng như trên mà không có một cuộc bỏ phiếu của hạ viện có nguy cơ làm cho dân chúng Pháp cảm thấy thêm bất bình và làm sâu sắc quan điểm chống Tổng thống Macron, theo AFP.
Sau khi thất bại trong việc thúc đẩy cải cách lương hưu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Macron đã quay trở lại vấn đề này khi vận động tái tranh cử vào tháng 4.2022. Tuy nhiên, ông đã mất thế đa số trong quốc hội vào tháng 6.2022 sau cuộc bầu cử hạ viện. Tổng thống Macron đã không đưa ra bình luận công khai nào về động thái thúc đẩy dự luật cải cách lương hưu của chính phủ ông trong ngày 16.3. AFP dẫn một nguồn tin tiết lộ rằng khi lý giải cho động thái này trong cuộc họp kín của nội các cùng ngày, Tổng thống Macron nhấn mạnh: "Mọi người không thể đùa giỡn với tương lai của đất nước".
Bình luận (0)