Hình ảnh đầy tính biểu tượng đó đã dẫn dắt người xem đi vào câu chuyện của The Immigrant, bộ phim tham gia tranh giải tại LHP Cannes năm ngoái. Trên hòn đảo Ellis, Mỹ cho xây dựng cả nhà tù và bệnh viện, nói như thế để hiểu rằng, không phải cứ đặt chân vào lãnh thổ của Mỹ nghĩa là chạm tay đến giấc mơ Mỹ. Người ta, trong trường hợp này là nhân vật Ewa Cybulska do kiều nữ nước Pháp Marion Cotillard thủ vai, phải đi qua một con đường dài hơn một giấc mơ, và đôi khi, giấc mơ đã mau chóng biến hình thành cơn ác mộng. The Immigrant lấy bối cảnh 1921, Ba Lan và Nga kết thúc chiến tranh, Mỹ bước vào giai đoạn khởi đầu cho giấc mơ Mỹ. Khắp nơi trên thế giới, người ta đổ dồn tới đảo Ellis làm thủ tục nhập cảnh. Ewa và chị gái, mang những dư âm dữ dội về cuộc chiến thảm khốc cướp đi sinh mạng của cha mẹ mình, họ đã quyết tâm rời bỏ Ba Lan để tới nương nhờ ở nhà dì dượng tại Mỹ. Nhưng bất hạnh thay, người chị gái của Ewa bị hải quan bắt giữ và giam lại trên đảo chờ ngày trục xuất về nước vì họ phát hiện ra cô này mắc bệnh viêm phổi. Bản thân Ewa cũng gặp rắc rối khi trong hồ sơ nhập cảnh ghi nhận Ewa từng có “quá khứ không trong sạch”, đồng thời, địa chỉ nhà dì dượng Ewa được cho là không có thật. Chính giữa lúc tuyệt vọng, Ewa được một người đàn ông tên là Bruno tận tình giúp đỡ, người đàn ông mà chỉ ít lâu sau khi nghe hắn hứa hẹn cho mình một công việc, Ewa mới nhận ra hắn Bruno vốn dĩ là một gã tú ông bịp bợm.
|
Giấc mơ Mỹ trong The Immigrant là một mảng màu đối lập hoàn toàn với giấc mơ Mỹ trong The Great Gatsby, tác phẩm cũng lấy bối cảnh những năm 1920 ở New York. Cùng quay cuồng trong giấc mộng kim tiền, cùng ở thành phố sôi động nhất nước Mỹ, nếu như ở hai bờ đông - tây là những sàn chứng khoán rộn ràng tấp nập, những ngôi biệt thự lộng lẫy hoành tráng, những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng thì ngay đây, trên hòn đảo Ellis này, đoàn người nhập cư đang run rẩy chờ đợi hải quan quyết định số phận của họ. Để tiến đến một nền dân chủ như hiện tại, người ta sẽ bắt gặp trong The Immigrant những hình ảnh hải quan Mỹ từng nhận đút lót và cảnh sát Mỹ từng trấn lột tiền dân. “Một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”, và thế là, Ewa đưa thân vào nhà chứa chẳng khác gì Kiều vùi mình nơi chốn lầu xanh. Nhân vật trọng tâm của The Immigrant là Ewa song dường như, câu chuyện mà đạo diễn James Gray muốn kể không chỉ giới hạn ở một hoặc hai số phận. Cái duyên gặp gỡ giữa Ewa, Bruno và tay ảo thuật gia Orlando đã bao quát lên cả một số phận chung của những con người di dân nghèo khổ. Họ có thể lừa bịp nhau, họ có thể yêu thương nhau, họ có thể chém giết nhau, nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm bên lề cuộc đời, nơi mà họ “tiến thoái lưỡng nan”, không thể quay trở về quê hương và cũng không thể bước thêm được nữa. Thứ duy nhất khả dĩ giải thoát được tấn bi kịch của họ không gì khác là những đồng đô la.
“Tôi ghét anh, nhưng tôi thích tiền”, Ewa nói với Bruno như vậy. Tiền, mối liên kết duy nhất của một cô nàng và một gã tú ông. Khi mùa đông rét mướt kéo đến, những cô gái mặt mày dày phấn với áo quần cũn cỡn đứng chào khách dưới gầm cầu là minh họa sống động nhất cho một giấc mơ Mỹ không thành.
The Immigrant cũng được coi là hành trình đi tới tự do của Ewa Cybulska. Chạy khỏi ký ức chiến tranh, Ewa cùng chị gái đã háo hức chào đón một tương lai ngời sáng tại quốc gia được xưng tụng là Tự do. Niềm hân hoan đó dào dạt đến nỗi đủ sức khiến Ewa lập tức nguôi đi nỗi đau bị cưỡng hiếp tập thể trên tàu suốt một tháng trời lênh đênh ngoài biển. Khi người Pháp đem tặng bức tượng nữ thần Tự do cho Mỹ sau cuộc chiến giành độc lập vinh quang trước đế quốc Anh, hình ảnh người phụ nữ cầm ngọn đuốc không còn đóng khuôn ở riêng một quốc gia nữa mà nó đã là biểu tượng tự do của toàn thế giới. Thật chua xót làm sao, ngay sau khi nhìn thấy bức tượng vĩ đại từ hòn đảo Ellis, Ewa đã phải vào vai vị nữ thần ấy, bên cạnh những Cleopatra, những geisha... trên một sân khấu tồi tàn và dung tục nhất để chào mời những gã đàn ông say xỉn. Ngoài cảm giác bứt rứt xuyên suốt mà phim tạo ra, những bộ ngực nhăn nheo thõng thượt của nữ hoàng Cleopatra hay những vòng hai ngấn mỡ của các nàng geisha đã đẩy sự ngao ngán của người xem lên đến cùng cực về thiên đường tự do. Một cô y tá đức hạnh và e lệ như Ewa cuối cùng đã chấp nhận làm mọi thứ với hy vọng kiếm tiền cứu chị. Vậy rốt cuộc, câu hỏi cứ mãi xoay trong đầu người xem, biểu tượng nào là của tự do? Vẫn là bức tượng người phụ nữ cầm đuốc hay một ngàn đô la giấu trong chiếc ủng của Bruno?
Có lẽ, câu trả lời của Ewa và chị cô nằm ở vế thứ hai.
Ngân Vi
>> Pieta, buông đao thành Phật
>> Hiệp sĩ mù': Khi Lưu Huỳnh 'hợp bích' Đàm Vĩnh Hưng
>> Vive L’amour - Thấy nỗi cô đơn trong kiếp người
>> Đoạt hồn': Nhiều hơn nỗi sợ
>> Sự suy tàn của nền văn minh
>> Thế giới tối của Park Chan Wook
>> Transformers 4: Chẳng có gì ngoài hủy diệt
>> Phan Đăng Di: Đã có những đạo diễn Việt Nam tiếp cận với điện ảnh quốc tế
Bình luận (0)