Rồng trong văn hóa Việt

Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ

10/02/2024 06:30 GMT+7

Trong cuộc trao đổi trước thềm Xuân Giáp Thìn với Thanh Niên, PGS-TS Đinh Hồng Hải nhận định hình tượng rồng thời Lý mang đậm tính dân chủ, đồng thời là hình tượng rồng đẹp nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

PGS-TS Đinh Hồng Hải là Chủ nhiệm bộ môn Nhân học văn hóa, Khoa Nhân học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông cũng là chuyên gia nghiên cứu biểu tượng với bộ sách Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam (tập 1 - 4).

PV: Biểu tượng rồng không phải của riêng Việt Nam mà nhiều nước Âu, Á khác cũng có. Vậy con rồng Việt Nam có gì khác về tinh thần so với những con rồng của các nước khác, thưa ông?

Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ- Ảnh 1.

PGS-TS Đinh Hồng Hải

Ngữ Thiên

PGS-TS Đinh Hồng Hải: Trên thực tế, phương Đông hay Tây đều có biểu tượng rồng. So sánh với phương Tây thì con rồng trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng mang nhiều yếu tố tích cực. Trong khi đó, con rồng ở phương Tây lại mang ý nghĩa tiêu cực, vì tiêu cực nên mới có hình tượng dũng sĩ diệt rồng.

Khi nói đến rồng Việt, nhiều người nghĩ nó là một biểu tượng sao chép của Trung Hoa, của các nền văn hóa đồng văn Trung Hoa. Tuy nhiên, những người này không nghĩ đến việc còn có một yếu tố nữa là biểu tượng rắn thần Naga của Ấn Độ. Trong các nền văn hóa đồng văn Trung Hoa hay đồng văn Ấn Độ có hai biểu tượng rồng và rắn thần Naga. Biểu tượng rồng Việt Nam là sự kết hợp tuyệt vời giữa rồng Trung Hoa và rắn Naga Ấn Độ.

Ông có thể phân tích kỹ hơn về việc biểu tượng rồng Việt Nam là sự kết hợp giữa rồng Trung Hoa và rắn Naga Ấn Độ?

Rồng Trung Hoa là con vật bốn chân, có đuôi, đầu có bờm, miệng to có nanh nhọn. Nếu xét dưới góc độ nghệ thuật thì rồng Trung Hoa thực sự không đẹp. Tuy nhiên, hình mẫu này lại được đưa vào khá đầy đủ ở con rồng thời Lý, chỉ khác về ngôn ngữ biểu hiện mà thôi. Trong khi đó, rắn thần Ấn Độ lại được tạo hình hết sức uyển chuyển và ngôn ngữ biểu hiện rất giống với rồng thời Lý.

Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ- Ảnh 2.

Hình tượng rồng thời Lý được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn

Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ- Ảnh 3.

Hình vẽ rồng thời Lý

Trinh Nguyễn

Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ- Ảnh 4.

Đầu rồng phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn

Chính xác hơn, rồng thời Lý có các bộ phận cơ thể giống rồng Trung Hoa, còn chi tiết về nghệ thuật tạo hình lại là của rắn thần Ấn Độ. Một số chi tiết đặc biệt như bờm, râu, dáng đầu là những chi tiết quan trọng nhất thì hầu như là của rắn thần Naga. Một điểm đặc biệt nữa là bờm, râu và đầu rồng được bố cục thành hình lá đề - một đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo. Chi tiết này khẳng định sự thoát ly khỏi ảnh hưởng của rồng Trung Hoa. Thêm vào đó, trong khi bờm của rồng Trung Hoa bay về phía sau thì bờm của rồng Lý và rắn thần lại bay về phía trước tạo thành những dải trang trí có bố cục chặt chẽ và hoàn thiện.

Tôi nghĩ sự kết hợp này cũng là lý do GS Trần Quốc Vượng từng nói nghệ thuật thời Lý là đỉnh cao mà các thời sau khó sánh bằng. Biểu tượng rồng thời Trần, Lê cũng không thể sánh được với biểu tượng rồng thời Lý. Con rồng thời Lý là kiệt tác với sự uyển chuyển - một gạch nối giữa văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ trong lòng văn hóa Đại Việt.

Ý ông là con rồng thời Lý là con rồng đẹp nhất trong suốt chiều dài lịch sử mỹ thuật Việt Nam?

Đúng rồi, về thẩm mỹ là như vậy. Nhưng biểu tượng này còn có những vẻ đẹp khác nữa, đến từ tính chất cung đình của biểu tượng rồng. Để các nghệ nhân dân gian tạo ra được biểu tượng rồng thời Lý kết hợp rắn thần Naga với rồng Trung Hoa thì phải có một yếu tố quan trọng. Đó là sự cho phép của triều đình.

Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ- Ảnh 5.

Dựng lại mô hình cột rồng trong Bách Thảo

Trinh Nguyễn

Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ- Ảnh 6.

Trụ đá chùa Phật tích có hình rồng

T.L

Triều đình nhà Lý cho phép và các vua nhà Lý không giữ riêng con rồng cho mình như các hoàng đế Trung Hoa vẫn thường "độc quyền". Nhà Lý sử dụng rồng như một biểu tượng quốc gia, chứ không phải biểu tượng riêng của hoàng tộc hay nhà vua. Vì thế, con rồng có thể ở trên đình, chùa, thậm chí ở trong nhà dân. Thời Lý cũng không có những quy định quá khắt khe như rồng phải có bao nhiêu móng như rồng thời Tống hay Minh ở Trung Quốc. Điều này giúp các nghệ nhân phát huy cao độ sức sáng tạo trong tạo hình rồng. Có thể nhìn thấy trong đó yếu tố dân chủ của con rồng thời Lý như vậy.

Biểu tượng rồng thời Lý là sự khẳng định nhân quyền, vương quyền và chủ quyền của người Việt với niềm tự hào là người dân của một nước độc lập. Tiếp theo nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều sử dụng rồng như một biểu tượng của quốc gia thông qua uy quyền của nhà vua. Cho đến nay, rồng vẫn được xem là thủy tổ của người Việt từ kỷ Hồng Bàng với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và người Việt hiện nay vẫn tự nhận mình là "Con rồng cháu tiên".

Hội tụ sức mạnh để bay lên

Trong nghệ thuật tạo hình thời Lý, hình tượng con rồng có thể xem là biểu tượng linh thiêng mang đậm giá trị và hồn cốt của thời đại. Nó không chỉ thiết lập nên một hình ảnh riêng biệt cho triều đại này ở Việt Nam mà còn tạo ra sự khác biệt đối với hình tượng rồng ở châu Á. Mặc dù chịu ảnh hưởng ít nhiều từ rồng thời nhà Đường, nhưng yếu tố Chămpa và tiết tấu hình sin đã mang lại dáng vẻ vô cùng đặc biệt. Trong dáng vẻ nhìn nghiêng, chính tiết tấu hình sin thót dần về phía đuôi, khiến cho con vật linh này dường như hội tụ một sức bật mạnh mẽ để bay lên trên nền vân mây lăn tăn như yếu tố phụ họa. Chưa kể đến chiếc mào rồng được biến đổi trong tiết diện hình lá đề, như tượng trưng cho tinh thần Phật giáo hòa đồng với lý tưởng Nho giáo của thời đại, khiến cho biểu tượng này thực sự trở nên đặc sắc.

PGS-TS Trang Thanh Hiền, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam

Vị thần hộ pháp Rồng và "phong cách thời trang"

Chúng ta thấy hình ảnh rồng trong khá nhiều bi ký chùa chiền của thời Lý. Trong đó, hình ảnh rồng luôn xuất hiện với tư cách là linh vật huyền thoại đã được giác ngộ, là thần hộ pháp. Có thể thấy hình ảnh rồng phun nước lưu ly trong văn bia Minh Tịnh, hay cửu long chạy đàn trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh là một kiểu ánh xạ của thuyết long vương phun nước khi đức Phật đản sinh. Như vậy, đến đây có thể thấy rằng mỹ thuật thời Lý-Trần (như cách gọi của Chu Quang Trứ) là mỹ thuật Phật giáo. Hình tượng rồng trong văn hóa thời Lý-Trần, cụ thể là trên các công trình kiến trúc, điêu khắc thời này, có lẽ đều mang trong đó những nội hàm của nhà Phật.

Rồng trở thành "phong cách thời trang" của cả thời Trần, đến mức cả dân đen lẫn nô bộc trong nhà thường dân cũng "đua đòi" thích chữ xăm rồng, khiến triều đình phải ra luật cấm. Hoàng gia nhà Trần, vốn là dân võ thuật miền biển, lại xăm hình rồng vào đùi để luôn nhớ nguồn gốc tổ tiên và tránh giao long (cá sấu, thuồng luồng). Quân sĩ nhà Trần đều xăm hình rồng hoa (thái long) ở bụng, lưng và hai bắp đùi như biểu hiện của hào khí Đông A.

Những cứ liệu trên cho thấy rồng là biểu tượng phổ dụng của thời Lý-Trần. Rồng xuất hiện trong cung điện, lầu gác của hoàng cung. Rồng được dùng để đặt tên cho tên núi, tên sông, tên chùa, tên tháp. Rồng là điềm lành báo hiệu thánh vương xuất hiện, hay trưng triệu chiến thắng trước quân thù. Rồng cuộn bay trên long bào, long cổn. Rồng đi vào nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và hoạt động diễn xướng cung đình. Rồng ùa vào đời sống mỹ thuật của dân gian. Tuy nhiên, những biểu hiện phong phú ấy chỉ còn lại vài dòng trên các sử liệu.

Các hình tượng như song long hiến châu, rồng chầu lá đề, rồng trên thân cột theo mô hình tu di đài - cửu sơn bát hải, rồng - xi vẫn ngậm ngọc, rồng tràn ngập trên các dấu vết vật chất trong Hoàng thành Thăng Long cho thấy biểu tượng rồng không chỉ xuất hiện trong không gian chùa tháp Phật giáo mà đã trở thành yếu tố thường trực nổi trội trong văn hóa và nghệ thuật cung đình.

Một đặc điểm chung về mô típ rồng thời Lý là rồng ngậm ngọc châu. Theo chúng tôi, chưa một nghiên cứu nào trước đây giải mã ý nghĩa biểu tượng này. Thực chất, mô típ này xuất phát từ điển "long nữ hiến châu" trong kinh sách nhà Phật. Sự xuất hiện mô típ "long nữ hiến châu" chuyển thân nam mà thành Phật có thể coi là một dấu ấn về mặt tạo hình cho thấy những ảnh hưởng cụ thể của Phật giáo Đại Thừa trên đất Đại Việt vào thời kỳ này.

PGS-TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Dấu ấn rồng qua những cái tên "Long"

Khảo cứu của PGS-TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho thấy vào thời Lý, cái tên "long" xuất hiện nhiều trong bi ký và sử ký. Rồng xuất hiện ở điện Trường Xuân khiến vua đặt tên cho bảo tháp ở (Phật) Đồ Sơn là Tường Long. Rồng bay trên mặt biển thì dựng tháp ở núi Long Chương (vẻ rực rỡ của rồng). Rồng ùa thành đàn, thành đội qua hình dáng sông thì dựng tháp ở Long Đội (đội quân rồng). Rồng núi Long Tỵ đậu trên tay Khai Minh Vương báo đại thắng bình Chiêm như một điềm lành cho vị minh quân Lý Phật Mã (Lý Thái Tông). Rồng bay theo thuyền ngự của vua Lý Nhân Tông đến tận thác bờ Long Thủy trong trận đánh dẹp động Ma Sa. Rồi cửa Phi Long, gác Long Đồ, điện Hội Long, tường Long Thành, rồi Long Trì trong hoàng cung để diễn xướng rồng cuộn trên ngọn núi chúc thọ Vạn Tuế Nam Sơn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.