Năm Thìn kể chuyện rồng ở Hà Nội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/02/2024 07:00 GMT+7

Các sự kiện sáng tạo gắn với linh vật rồng được tổ chức liên tiếp tại Hà Nội để chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thuyền rồng trong đêm Ngọc Sơn

Một chiếc thuyền rồng đã được đóng mới để phục vụ cho chương trình trải nghiệm Ngọc Sơn đêm huyền bí tại di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Chương trình kết hợp giữa sân khấu thực cảnh, trưng bày tư liệu và công nghệ 3D mapping này được xây dựng dựa trên dữ liệu lịch sử lẫn các huyền thoại. TS Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, cho biết chương trình được mở màn vào tối 31.1, sau đó dự kiến diễn đều đặn hằng tuần.

Năm Thìn kể chuyện rồng ở Hà Nội- Ảnh 1.

Thuyền rồng trong Ngọc Sơn đêm huyền bí

BTC

Khi vẽ rồng, tôi muốn gắn nó với những quan niệm của người dân vào con rồng. Trong bức tranh kính về rồng, Long vân khánh hội, là hội tụ các linh vật. Nhìn vào đó là cuồn cuộn của sự vui tươi, hoan hỷ, linh vật hội tụ mang lại điềm lành cho tất cả mọi người. Trong đó, linh vật rồng là linh vật to nhất.

Nghệ nhân Nam Chi

Ngọc Sơn đêm huyền bí được bắt đầu từ khi công chúng bước chân tới Tháp Bút. Một màn chiếu sáng tới từng tảng đá dưới chân tháp sẽ mang tới thông điệp về lòng hiếu học, về ngọn bút viết lên trời xanh trong nhiều năm. Nó cũng gắn với việc trong đền Ngọc Sơn có thờ thần Văn Xương - vị thần bảo trợ cho học hành, chữ nghĩa, thi cử. Đi qua Tháp Bút, công chúng sẽ tiếp tục được chào đón bằng một màn múa trên cầu Thê Húc. Đạo diễn Lê Quý Dương của chương trình cho biết đây là điệu múa của mặt trời trên chiếc cầu sơn đỏ.

Loài rồng: Sinh vật kỳ bí với hình tượng trái ngược trong văn hóa Đông - Tây

Năm Thìn kể chuyện rồng ở Hà Nội- Ảnh 2.

Rùa thần được tái hiện qua mô hình bằng composite có điều khiển

BTC

Đạo diễn Lê Quý Dương cũng cho biết ông cùng NSƯT Đặng Tố Như đã xây dựng chương trình Ngọc Sơn đêm huyền bí với nhiều âm thanh gắn với hồi ức Hà Nội hào hùng da diết không thể nào quên. "Chúng tôi sử dụng ca khúc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi với bản ghi xưa. Điều này gợi nhớ một Hà Nội có chiều sâu lịch sử. Chúng tôi cũng sử dụng bản ghi tiếng hát của cố NSND Quách Thị Hồ để kể câu chuyện sự tích hồ Gươm. Giọng ca của bà Hồ còn được kết hợp với hình ảnh trình chiếu tại Đắc Nguyệt Lâu của đền Ngọc Sơn", ông Dương nói.

Tại đình Trấn Ba của đền Ngọc Sơn, một bệ ngai vàng tôn nghiêm được đặt ngay chính giữa để hướng tới anh linh vua Lê Thái tổ, người đã có công chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước. Từ đình Trấn Ba, công chúng cũng được xem huyền tích vua Lê trả gươm cho Rùa thần. "Màn sân khấu thực cảnh công phu này có sự góp mặt của thuyền rồng và Rùa thần nổi lên mặt hồ nhận lại thanh gươm báu", đạo diễn Lê Quý Dương cho biết.

Rồng tranh, rồng đèn, rồng bưu thiếp

Rồng cũng xuất hiện trong triển lãm Năm thìn kể chuyện rồng khai mạc ngày 1.2 tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm này giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật nhằm làm rõ biểu tượng rồng trong kiến trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Trong số này một phần là hiện vật của Bảo tàng Hà Nội, một phần khác là sản phẩm ứng dụng hình tượng rồng thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc.

Năm Thìn kể chuyện rồng ở Hà Nội- Ảnh 3.

Nghệ nhân Nam Chi vẽ rồng

NVCC

Nghệ nhân Nam Chi, một trong những tác giả tham gia triển lãm, cho biết những tác phẩm của mình dựa trên cảm hứng về dòng tranh dân gian Kim Hoàng và Hàng Trống. Trên cơ sở đó, họa sĩ sáng tạo nhiều ứng dụng với hình tượng rồng. "Tôi đã đưa vào sản phẩm các chi tiết trên kiến trúc đình làng cũng như hoa văn trên các bản sắc phong cổ. Tôi có sáng tạo thêm nhưng các sáng tạo đều dựa trên tinh thần của các chi tiết này, kết hợp với đường nét màu sắc tranh dân gian", Nam Chi nói.

Tại triển lãm Năm thìn kể chuyện rồng có một đôi đèn gốm, trên chao đèn vẽ hình rồng. Một chiếc vẽ tích Lão long huấn tử - rồng dạy con, chiếc còn lại là tiên cưỡi rồng. "Tích thứ nhất muốn nói đến việc dạy dỗ con cái, tích thứ hai không chỉ nói đến chuyện con rồng cháu tiên mà còn muốn nói đến việc chinh phục thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa", Nam Chi chia sẻ. Một sản phẩm khác là chiếc quạt vẽ hình rồng ngậm chữ thọ, mang hàm ý về lời cầu chúc tuổi thọ, sung túc, đủ đầy.

Năm Thìn kể chuyện rồng ở Hà Nội- Ảnh 4.

Nhiều sản phẩm sáng tạo có hình tượng rồng

NVCC

Các bản tranh mới của tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng cũng được nghệ nhân này giới thiệu. "Tôi tạo mẫu mới cho tranh Hàng Trống và Kim Hoàng vì những dòng tranh này ít mẫu rồng. Rồng xuất hiện trong tranh cũng thường chỉ là một bộ phận, thường là đầu thôi. Khi vẽ rồng, tôi muốn gắn nó với những quan niệm của người dân vào con rồng. Trong bức tranh kính về rồng, Long vân khánh hội, là hội tụ các linh vật. Nhìn vào đó là cuồn cuộn của sự vui tươi, hoan hỷ, linh vật hội tụ mang lại điềm lành cho tất cả mọi người. Trong đó, linh vật rồng là linh vật to nhất", Nam Chi cho biết thêm.

Điều đáng nói nhất của Năm thìn kể chuyện rồng có lẽ là những thông điệp từ quá khứ, gửi tới qua hiện vật và sáng tạo mới cho hình tượng linh vật này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.