Việc Mỹ và Triều Tiên lựa chọn VN là địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai được các chuyên gia VN và nước ngoài nhìn nhận vì VN là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên.
[VIDEO] Cắt tóc kiểu Chủ tịch Kim Jong-un miễn phí ở Hà Nội
|
Hội nhập và phát triển vững mạnh
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ VN tại Mỹ, cho rằng có 3 lý do VN được chọn trở thành địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này. Đó là: VN là một đất nước được tin cậy; VN mang tính biểu tượng cao; và các bên đều thấy rằng khi đến VN, các quan tâm của mình đều được đáp ứng.
|
“Tất nhiên, việc lựa chọn địa điểm là do các bên quyết định; nhưng việc VN được lựa chọn cho thấy uy tín của chúng ta, là một dấu chứng nhận VN đã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hậu cần và bảo đảm an ninh cho một sự kiện lớn. VN còn có tính biểu tượng rất cao, khi quá trình khép lại quá khứ sau một cuộc chiến tranh đẫm máu để tiến tới tương lai, hòa giải; rồi đổi mới, hội nhập, mở cửa, phát triển... là quá trình VN có rất nhiều bài học kinh nghiệm có thể chia sẻ. Việc được lựa chọn thực sự cho thấy một đất nước VN đã rất khác, vị thế quốc tế của VN đã rất khác”, ông Phạm Quang Vinh nói.
Ông Vinh cũng nhấn mạnh: “Một thời gian rất dài, thế giới nhìn VN như một “cuộc chiến tranh” (khái niệm “Vietnam war” - chiến tranh VN được sử dụng phổ biến trong rất nhiều tài liệu), thì hiện nay VN không chỉ là “một đất nước, một dân tộc”, mà còn là “một đất nước, một dân tộc hội nhập và phát triển vững mạnh”.
“Lựa chọn VN không chỉ vì chúng ta là một địa điểm, mà còn thấy VN có vai trò đóng góp cho công việc chung của thế giới và khu vực, vì hòa bình, ổn định phát triển. Thế giới nêu một khẩu hiệu xuyên suốt: đối với những khu vực còn có tranh chấp, xung đột thì cần có hòa bình...; nhưng xa hơn còn phải có phát triển thịnh vượng và hướng tới tương lai quan hệ hữu nghị. Đó là chặng đường mà VN đã trải qua”, ông Vinh nêu rõ.
|
PGS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cho rằng yêu cầu đầu tiên của việc chọn địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh này phải là an toàn, và VN đã chứng minh được điều này bằng thực tiễn.
tin liên quan
Cận cảnh C-17 mang theo 'siêu trực thăng' Marine One vừa hạ cánh xuống Nội BàiGS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng đây là cơ hội lớn để VN nâng cao vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.
“Triều Tiên cũng rất muốn tham khảo kinh nghiệm đổi mới, cải cách của chúng ta. Do đó với họ, đây cũng là cơ hội rất tốt để lãnh đạo cao nhất thăm, trực tiếp nhìn thấy kết quả đổi mới và tham khảo kinh nghiệm của VN. Đối với Mỹ, đây cũng là cơ hội rất tốt để thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang muốn nâng cao vị thế của VN trong chiến lược mới của họ ở châu Á - Thái Bình Dương”, GS Huân nói.
Một sự đột phá
Chia sẻ về kỳ vọng kết quả hội nghị, nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: “Trước hết phải thấy rằng, vấn đề bán đảo Triều Tiên có rất nhiều câu chuyện thực sự khó khăn đã kéo dài 7 thập kỷ, là mối quan tâm không chỉ của Mỹ, Triều Tiên mà của toàn thế giới. Tuy nhiên, từ cuộc gặp thứ nhất đến hiện tại mà các bên vẫn đủ niềm tin để ngồi lại với nhau ở cấp lãnh đạo cao nhất, để đưa ra những tiến bộ mới, đó là điều tôi thực sự kỳ vọng”. Theo ông Vinh, riêng chuyện các bên vẫn còn có niềm tin vào đối thoại và ngoại giao để giải quyết vấn đề đã là một chỉ dấu tốt đẹp và chắc chắn là các bên phải tính một cách tổng thể nhiều vấn đề khác nhau song hành với phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
tin liên quan
Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ba kịch bản cho hội đàm“Việc mới 8 tháng đã có cuộc gặp thứ hai ở cấp cao nhất đã là một sự đột phá”, ông Vinh đánh giá.
Nếu trong quá khứ, VN đã là một hình ảnh truyền cảm hứng về một dân tộc vệ quốc kiên cường, thì đến nay VN lần thứ hai mang đến một hình ảnh truyền cảm hứng về một dân tộc tự cường, mở cửa, phát triển và đóng góp thực sự về nhiều mặt vào nỗ lực chung của khu vực và thế giới. Theo Đại sứ Vinh, nếu nhìn lại cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi VN đã bắt đầu có những thành tựu về kinh tế, thì trong thập kỷ vừa qua, vai trò của VN trong tham gia vào các vấn đề quốc tế và khu vực đã lớn hơn rất nhiều.
Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng với những biểu tượng mà hình ảnh VN gợi đến, với những động thái của các bên, có cơ sở để kỳ vọng những bước đi mang tính thực chất và ý nghĩa hơn.
Kỳ vọng chỉ dấu cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Những ngày này, VN vẫn tiếp tục là điểm đến của truyền thông quốc tế, đặc biệt là truyền thông Hàn Quốc. Trao đổi nhanh với PV Thanh Niên chiều 19.2, một PV Hãng tin Channel A (Hàn Quốc) cho biết, hãng đã cử 30 người đến VN để đưa tin, do đây là sự kiện đang được cả Hàn Quốc chú ý với kỳ vọng lớn vào hòa bình. Cùng có mặt tại Nhà khách Chính phủ trong chiều 19.2, ngoài Channel A còn có PV của AP (Mỹ); MBC, KBS, SBS, YTN (Hàn Quốc).
|
Nhiều người Hàn Quốc đang sinh sống tại VN, thậm chí cả du khách Hàn cũng chờ đợi hội nghị, kỳ vọng Hà Nội sẽ là một chỉ dấu cho hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Chia sẻ với Thanh Niên, Joen Hyong-jun (24 tuổi), đến từ ĐH Sogang (Seoul), cho biết: “Tôi rất vui vì VN đã được chọn. Tôi nghĩ lý do VN được chọn vì các bạn là “chuyên gia” của hòa bình. Các bạn có đến 54 dân tộc nhưng không có xích mích và vẫn yên bình. Tôi thấy cảm động và ngưỡng mộ VN vì giữ được như thế”, Joen nói bằng tiếng Việt một cách rất rành mạch.
Bên cạnh đó, Jeon cũng cho rằng, VN cũng duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ và Triều Tiên; có nền kinh tế đang phát triển rất nhanh “với những chính sách tốt, kinh tế mở”, do đó lựa chọn VN là rất phù hợp. “Tôi kỳ vọng hội nghị này sẽ giúp Hàn Quốc và Triều Tiên có hòa bình, kết thúc chiến tranh”, Jeon nói.
Lee In-jung (23 tuổi), một du khách Hàn Quốc, cho biết cả gia đình mình đang rất chú ý đến hội nghị thượng đỉnh lần này, đặc biệt là người cha, vì em trai của In-jung là Lee Kang-do (21 tuổi) vừa nhập ngũ chiều 19.2. Byun Ka-yoon (25 tuổi) đến từ Busan (Hàn Quốc), chia sẻ: “Với thế hệ trẻ như tôi thì việc chia cắt giữa 2 miền Triều Tiên không quá đau lòng, nhưng với thế hệ ông bà chúng tôi thì đó thực sự là một vết thương không thể lành, vì cả một dân tộc bị chia cắt, các gia đình ly tán. Vì vậy, chúng tôi rất trông đợi sự kiện tại Hà Nội như trông đợi vào hòa bình và một tương lai hạnh phúc cho tất cả”.
Thủ tướng yêu cầu tập trung phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Mỹ - TriềuThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sắp tới được tổ chức tại Hà Nội.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải tập trung cao nhất đảm bảo phối hợp với các bên tổ chức hội nghị thượng đỉnh thành công, trong đó công tác an ninh, an toàn đặt lên hàng đầu, chú ý đảm bảo cảnh quan môi trường đô thị. Công tác lễ tân phải đảm bảo chu đáo, trọng thị, công tác tuyên truyền, báo chí phải tạo điều kiện tối đa cho phóng viên quốc tế đến VN đưa tin về hội nghị. Công tác chuẩn bị cần tiến hành thật tích cực, khẩn trương song phải chi tiết, cẩn trọng, sao cho không chỉ bạn bè các nước đến tham dự cảm nhận được sự thân thiện, mến khách của đất nước, con người VN mà cả người dân VN cũng hiểu biết hơn về ý nghĩa của hội nghị này, về vai trò và uy tín quốc tế của đất nước ta.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơ hội quý báu để quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước và những thành tựu phát triển mọi mặt của VN, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy thương mại, tăng cường liên kết phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt hội nghị diễn ra vào đúng dịp 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình do UNESCO trao tặng, Hà Nội phải tận dụng được cơ hội này để quảng bá hình ảnh một thành phố yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời, nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.
TTXVN
|
Bình luận (0)