Big Tech Trung Quốc chi đậm tiền vận động hành lang ở Mỹ

03/08/2021 11:49 GMT+7

Chủ sở hữu Huawei và TikTok chi tiêu nhiều hơn với hy vọng đối thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden .

Khi các nhà vận động hành lang ở Washington bắt đầu đợt giao dịch mới cho mùa xuân năm nay, họ đã chứng kiến một số tên tuổi lớn nhất ngành công nghệ Trung Quốc tăng chi tiêu để gây ảnh hưởng đến chính phủ Mỹ.
Nikkei dẫn tiết lộ từ các báo cáo cho biết, Huawei Technologies và ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đã đổ nhiều tiền hơn vào việc vận động hành lang liên bang trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.2021 so với ba tháng đầu năm. Động thái này diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden đang điều chỉnh những chính sách khác nhau nhằm vào các công ty Trung Quốc của chính quyền ông Donald Trump.

Huawei hướng đến sản xuất phần mềm với mục tiêu "dẫn đầu thế giới", lách cấm vận của Mỹ

Các cuộc chuyển giao tổng thống thường là thời gian thay đổi lớn đối với Phố K (K Street), trung tâm của cộng đồng vận động hành lang ở Washington D.C. Sẽ có những gương mặt mới hiểu biết hơn với chính sách của chính quyền kế nhiệm xuất hiện. “Cho dù đó là cơ hội hay khủng hoảng, Phố K đều thắng”, Ben Freeman, Giám đốc về Sáng kiến minh bạch tại Center for International Policy, một tổ chức tư vấn của Washington, nhận xét.
Đối với Huawei, khoản chi mới đã phản ánh rõ hơn về một cuộc khủng hoảng mà công ty đang phải đối mặt khi ông Biden mở rộng các hạn chế giao dịch được ban hành dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, và loại bỏ hãng viễn thông Trung Quốc ra khỏi kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng băng thông rộng 65 tỉ USD.
Ngay sau khi ông Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.2020, giám đốc công nghệ bộ phận kinh doanh mạng 5G của Huawei đã bày tỏ hy vọng về một mối quan hệ tốt hơn với Mỹ. Tháng 5.2021, khi ông Biden mở rộng các hạn chế thời Trump, Phó chủ tịch cấp cao của Huawei Vincent Peng đã ngay lập tức mời chính quyền mới mở một cuộc đối thoại. Nikkei cho biết có rất ít bằng chứng về việc cuộc đối thoại này sẽ diễn ra. Tuy nhiên, chi phí vận động hành lang ngày càng tăng của Huawei, khoảng hơn 1 triệu USD trong quý hai so với 200.000 USD trong quý đầu tiên, có thể cũng là dấu hiệu cho thấy sự lạc quan.
“Huawei đang hợp tác với nhiều nhà tư vấn quan hệ chính phủ và các nhà vận động hành lang để giúp chính quyền Biden và công ty phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhau”, một nguồn thạo tin nói.
Số tiền nêu trên là khoản chi hằng quý lớn nhất của Huawei kể từ kỷ lục hồi năm 2019, khi chính quyền ông Trump đưa công ty vào danh sách đen gọi là Danh sách thực thể. Tính đến thời điểm này trong năm nay, Huawei đã chi hơn gấp đôi tổng số tiền vận động hành lang của năm ngoái. Hãng viễn thông Trung Quốc cũng đã thuê Tony Podesta, nhà vận động hành lang nổi tiếng của đảng Dân chủ, có quan hệ khá gần gũi với ông Biden và những người thân cận khác của tổng thống. Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu cuối cùng Huawei có thể thu được gì từ số tiền của mình và liệu một người như Podesta có khả năng làm dịu lập trường của chính quyền ông Biden về giao dịch thương mại với Trung Quốc hay không.
“Tôi không thấy chính quyền ông Biden sẽ sớm thay đổi chiến lược với Huawei”, Henry Tugendhat, nhà phân tích chính sách cấp cao về viễn thông và an ninh mạng của Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ, một tổ chức tư vấn khác của Washington, nói.
Huawei không phải là công ty duy nhất chịu mở ra túi tiền của mình cho vận động hành lang. ByteDance và đơn vị video ngắn TikTok tiết lộ đã chi 1,95 triệu USD trong quý 2/2021, tăng từ 810.000 USD trong quý đầu tiên. Khác với Huawei, khoản chi này đến vào thời điểm các điều kiện kinh doanh ở Mỹ đang chuyển biến thuận lợi hơn đối với ByteDance. Trong tháng 6.2021, ông Biden đã ký một lệnh hành pháp thu hồi các lệnh trước đó do ông Trump ký nhằm cấm TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat.
Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước chi tiêu cao nhất cho vận động hành lang từ năm 2016 đến nay, căn cứ vào tính toán của nhóm phi lợi nhuận OpenSecrets dựa trên hồ sơ Đạo luật đăng ký đại lý nước ngoài. Theo ông Freeman, điều này phần lớn được thúc đẩy bởi chính quyền ông Trump và đường lối cứng rắn của họ đối với Trung Quốc, cũng như những lời đe dọa khiến Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho các lực lượng vận động hành lang Mỹ.
Dưới thời ông Biden, Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng căng thẳng thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Theo Nikkei, trên trang web tranh cử tổng thống, ông Biden đã cam kết cấm doanh nghiệp vận động hành lang thay mặt cho chính phủ nước ngoài, nói rằng nếu một chính phủ muốn ra quyết định, thì “họ nên làm như vậy thông qua các kênh ngoại giao thông thường”. Nội dung trang web cũng nói “bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào” đang tìm cách vận động hành lang sẽ phải xác minh không có chính phủ nước ngoài đứng sau “sở hữu hoặc kiểm soát vật chất bất kỳ phần nào”. Đây là điều rất khó thực hiện được đối với một quốc gia như Trung Quốc, nơi ranh giới giữa công và tư vốn vô cùng mờ ảo.
Song, những người chỉ trích ông Biden đã tỏ ra không tin tưởng. Họ chỉ ra các hoạt động vận động hành lang bất thường trước đây của con trai ông Biden là Hunter Biden, cũng như việc vận động hành lang cho General Motors của Jeff Ricchetti, anh trai của cố vấn Nhà Trắng Steve Ricchetti.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.