Bình Chánh 'nắng chiều ngừng trôi'!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
15/02/2020 08:12 GMT+7

Một ngày đi dọc theo quốc lộ 50 thuộc địa bàn H.Bình Chánh (TP.HCM), tôi băng qua Cần Giuộc, huyện miền hạ của tỉnh Long An, chợt thấy nắng chiều thẫm lại.

Qua những con đường vòng vèo, trở lại bằng lối ngã tư Gò Mây, thấy một Bình Chánh đã có nhiều thay đổi, song vẫn còn bao thứ bộn bề...

Gồng gánh lưu dân

Câu hát cuối “nắng chiều ngừng trôi” trong bản nhạc Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là một hình ảnh trở đi trở lại trong trí tưởng của tôi, khi miên man ngồi trên chiếc xe máy suốt gần một ngày, vòng từ phía nam sang phía tây thành phố, theo địa bàn của H.Bình Chánh, như một vòng cung bao bọc, giáp miệt Long An.
Nếu Cần Giuộc là miền hạ, được nhắc đến trong bài vọng cổ Dòng sông quê em nổi tiếng một thời “miền hạ bây giờ vui lắm phải không em?”, thì miền thượng là các huyện Đức Huệ, Tân Hưng. Thượng hay hạ, cũng đều đậm nét đặc trưng miền Tây Nam bộ, và vì thế Bình Chánh cũng ảnh hưởng, phảng phất cái chất ấy rất rõ!
Ngã tư Gò Mây, thường được nhắc đến khi tôi vừa mới “nhập cư Sài Gòn” cách đây 25 năm, bởi nơi đây là một nút giao thông thiết yếu quan trọng. Vì đi và viết khá nhiều, nên cái tính cóp nhặt cứ như thói quen khó bỏ. Ban đầu Gò Mây thuộc H.Bình Chánh, đến năm 2003 khi tách ra 2 huyện thì ngã tư này thuộc Q.Bình Tân. Nhưng với người dân địa phương, hay thuận miệng khi chỉ đường, thì thường vẫn “à, dzề Bình Chánh phải hông, thì đi qua Gò Mây là đến thôi mà”. Đó cũng là câu trả lời của một tài xế xe ôm người xã Vĩnh Lộc A chính hiệu, bác Tư Ròm, năm nay 61 tuổi, vẫn thường ngồi mé đường Nguyễn Thị Tú, kế nút giao thông Gò Mây chạy ngược về hướng đường Quách Điêu, băng qua chợ Vĩnh Lộc, một ngôi chợ lâu năm xứ này.

Đường Nguyễn Thị Tú, Bình Chánh

Hỏi bác Tư vài câu, nghe kể rằng, hồi khoảng hai thập niên cuối thiên niên kỷ 20, vùng này đất ruộng vẫn còn nhiều. Các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của Bình Chánh mênh mông vườn tược. Qua những biến động với những dòng người nhập cư, các xã ấy trở thành nơi cư ngụ của rất nhiều lưu dân tứ xứ. Thế là xẻ đất ra bán, nhà cửa cứ tự phát mọc lên, rất nhiều cặp vợ chồng công nhân của khu công nghiệp Vĩnh Lộc hoặc các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Chánh kiếm tìm nơi an cư, cứ “đậu” đến nơi này. Nhưng, có những ngày “nỗi đau thương” ập xuống những con người xa xứ. Nhà xây không phép, đầu nậu bán rẻ, vừa túi tiền gom góp nên cứ thế mà mua. Rồi lại bị cưỡng chế tháo dỡ, với cụm từ khô khan quen thuộc trong các văn bản hành chính: “trả lại hiện trạng”!
Đập rồi lại xây, xây rồi lại đập. Cái điệp khúc ấy như một thứ “tội nợ” với lưu dân dạt đến các vùng ven, mà Bình Chánh là nơi phải gánh gồng quá nhiều, vì địa thế của huyện này cứ chạy quanh một vòng ven đô, kéo dài lên đến tận Long An, giáp Củ Chi, Hóc Môn và phía nam thì bị “kẹp” giữa khu đô thị Nam Sài Gòn cho đến tận Cần Giuộc.
Tôi giở lại một số bài báo cũ của mình ngày trước, ngỡ như tìm thấy hình ảnh mà bác Tư xe ôm kể, còn hằn rõ dấu ấn trong từng câu chữ. Ngày 12.12.2005, một bài báo thông tin tại TP.HCM, có 140.000 căn nhà vi phạm xây dựng (bao gồm xây dựng trái phép, xây dựng không phép, lấn chiếm lộ giới, lấn chiếm kênh rạch…) trước thời điểm luật Xây dựng có hiệu lực (1.7.2004), trong đó tập trung nhiều ở các quận ven, quận mới và các huyện như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Q.8… Ngày 21.8.2007, một bài báo khác nêu một con số thống kê, chỉ riêng tại TP.HCM số căn nhà xây dựng trái phép là 11.000 căn, trong đó con số của Bình Chánh cũng đứng “đầu sổ”, và thông tin thêm một tín hiệu mới từ một bản dự thảo của Sở Xây dựng trình lên cấp thẩm quyền: số căn nhà trên sẽ được cho tồn tại theo luật Xây dựng! Rồi sau đó, câu chuyện xây dựng trái phép lại cứ như một căn bệnh khó chữa, mặc nhiên tái diễn cho đến bây giờ!

Câu hò lúc hoàng hôn

Buổi chiều. Nắng từ lúc gắt, rồi nhạt dần. Tôi uống nốt chỗ cà phê đá đã chuyển loãng, tạm biệt bác Tư, nhác trông qua thấy bác phanh ngực áo, “xổ” một câu hò: “Anh về qua bển xứ Gò/Mây che ngang mặt câu hò lan xa/Chờ khi đã hết can qua/Chung tay xây lại mái nhà yên vui”. Hỏi, câu này đâu ra vậy? Trả lời: “Tui học của một ông già cùng ấp đó. Ngồi đây rảnh buồn buồn đọc vài câu chơi. Còn cái vụ xây lại mái nhà chắc là nói về mấy vụ nhà bị đập cưỡng chế”!
Sực nhớ lại hồi năm 2005, 2006 gì đó, một chuyện khá chấn động đã xảy ra ở miệt Bình Chánh (cho dù năm 2003 đã tách một phần ra Q.Bình Tân). Vụ một vị lãnh đạo quận (cách đó mấy năm vị này là lãnh đạo huyện, lúc chưa tách) thuê thợ đào móng xây lại nhà, phát hiện ra hũ vàng bị… bỏ quên. Tốp thợ hả hê chia nhau, còn vị ấy thì “ngậm tăm” không nhận, vì nếu nhận thì hóa ra… mình giàu đến độ bỏ quên hũ vàng à! Điều này cũng khó phân giải rõ ràng, song những miệng tiếng dư luận cứ dồn lên một áp lực vô cùng lớn. Người ta cứ đồn thổi đủ điều, có cả nhiều lời đồn cho rằng “ông ấy phụ trách quản lý đô thị cả một huyện rộng lớn nhất thành phố, giàu vậy nhằm nhò gì”, trong khi vị ấy thì cố thanh minh.
Nhưng một điều khó chối cãi, là suốt bao năm qua, lúc đầu là Bình Chánh, cho đến khi tách quận, thì huyện này vẫn là một địa phương hầu như nằm trong tốp vi phạm xây dựng nhiều nhất của TP.HCM. Đất Bình Chánh mênh mông, với diện tích tự nhiên là 253 km2, đứng thứ ba sau các huyện Củ Chi và Cần Giờ, nhưng Bình Chánh có rất nhiều lợi thế để dân nhập cư đến định cư, như thuận lợi về mặt giao thông, kết nối tốt với các quận huyện khác của khu vực trung tâm và cận trung tâm, vị trí địa lý không tách biệt trung tâm thành phố xa như Củ Chi (khoảng 40 km, diện tích tự nhiên 435 km2) và Cần Giờ (50 km, diện tích tự nhiên 704 km2). Vì vậy, những cơn sốt đất, sốt xây dựng trái phép diễn ra khá thường xuyên.
Cũng vì vậy, số vụ vi phạm vì “buông lỏng quản lý” trong những năm qua, ở Bình Chánh là nổi trội. Đến mức, mới đây đã diễn ra 2 “sự kiện” vào những tháng cuối năm 2019. Đó là vào cuối tháng 8.2019, TP.HCM đã quyết định kỷ luật 30 tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm đất đai. Đầu tháng 12.2019, thành phố lại tiếp tục công bố quyết định thanh tra toàn diện về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn H.Bình Chánh trong vòng 45 ngày. Trước đó, vào tháng 4.2019, một tuyên bố khá nóng để “dọn dẹp” tình trạng xây dựng trái phép ở huyện này đã được vị chủ tịch huyện phát đi, rằng: “Sẽ tuần tra giám sát tình trạng xây dựng không phép hằng ngày” và “sẽ kiên quyết xử lý hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần”…
Cho dù những động thái kiên quyết ấy hiệu quả đến đâu, người dân Bình Chánh liệu có thỏa mãn với cách hành xử của một bộ phận cán bộ nhúng tay tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình hay không, thì vấn đề cốt lõi của một địa phương nằm trong tổng thể cấu thành nên cái “cơ thể” thành phố này, là vẫn buộc phải chuyển động theo chiều hướng tích cực hơn. Còn tích cực đến đâu, để xây dựng nên một huyện trở nên khang trang đẹp đẽ như thế nào, thì còn phải chờ.
Tôi vẫn cứ nghĩ thế, và thâm tâm tin một ngày mai Bình Chánh sẽ khác…
Bình Chánh là một huyện ngoại thành bao lấy phía tây và phía nam TP.HCM, có nhiều kênh rạch, nhất là ở nhánh phía nam, tây nam tạo thành một hệ thống giao thông đường thủy quan trọng kết nối với miền Tây Nam bộ. H.Bình Chánh có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tân Túc là huyện lỵ và 15 xã: An Phú Tây, Bình Chánh, Bình Hưng, Bình Lợi, Đa Phước, Hưng Long, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Phong Phú, Quy Đức, Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Quý Tây, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.
Vào tháng 11.2019, lãnh đạo H.Bình Chánh đã có kiến nghị lên lãnh đạo TP.HCM chuyển 4 đơn vị hành chính từ xã lên thị trấn, là các xã có dân số đông: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.