Cuộc “đổ quân” của nhân vật trùm du đãng Trần Đại để “đánh bật” cai thầu Phúc, kẻ làm hại công nhân của khu thương cảng Khánh Hội, là một chương thú vị trong cuốn tiểu thuyết Điệu ru nước mắt thuở nào, đề cập đến các tay anh chị một thời.
Chai rượu từ Tokyo
Khánh Hội thuộc Q.4, một quận ngày trước vốn tốn hao không ít giấy mực của giới cầm bút, cả văn chương lẫn báo chí, bởi đây là nơi tụ tập nhiều băng đảng. Nhưng trải qua “bầm dập chiến chinh” với nhau, tính cách hảo hớn ấy một khi đã nhuần lại, thì trở nên vô cùng tình nghĩa. Họ sống và lao động quần quật quanh một thương cảng sầm uất được gọi là thương cảng Khánh Hội, sau đó được đặt tên là cảng Sài Gòn. Bà con lao động nghèo ngày trước chủ yếu “hội quân” vào các dịch vụ của khu cảng, mà phần nhiều là làm phu khuân vác hoặc “mánh mung” đủ thứ.
Nếu tôi không nhầm, thì ở Sài Gòn, quận 4 và Gò Vấp là 2 quận có nhiều chùa xây dựng cổ xưa nhất. Cứ nghĩ có lẽ người ta muốn tìm đến lời kệ câu kinh để mong một chút bình an cho tâm hồn, trong một giai đoạn lịch sử có rất nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến từng thân phận, từng gia đình. Bởi vậy nên đi mỗi đoạn đường là thấy có một ngôi chùa cổ kính, vọng ra tiếng chuông tiếng mõ mỗi sớm mai lay động một chút thiện lành!
|
Thời điểm tôi thường hay qua đây là những năm của thập niên 90 thế kỷ trước. Lúc ấy, vị giám đốc cảng Sài Gòn là ông Trần Văn On, một người có dáng hơi bệ vệ với khuôn mặt phúc hậu. Ông On với vốn kiến thức rất sâu về các thương cảng của thế giới, đã cho tôi hình dung được vị trí quan trọng của cảng Sài Gòn lúc ấy, là một thương cảng với công suất xuất nhập hàng hóa lớn nhất của miền Nam, nếu không nói quá, là độc quyền. Ông thường hay trò chuyện, và qua đó tôi có thêm những kiến thức hay về cường suất dòng chảy của sông Sài Gòn, khả năng đáp ứng của lòng sông về mớn nước của các loại tàu, chế độ thủy triều của sông Sài Gòn qua từng mùa, các chỉ dấu quan trọng trong quy trình dẫn dắt tàu bè của hoạt động thương cảng...
Đặc biệt, ông On cũng là một người có quan hệ rất tốt với một số vị quản lý hệ thống các cảng của Nhật Bản và châu Âu. Một ngày đẹp trời, ông gọi điện cho tôi từ sau một chuyến đi dự hội thảo ở Tokyo. Khi đến, ông hào hứng kể về những đánh giá của bạn về tầm quan trọng của cảng Sài Gòn suốt cả trăm năm qua. Xong câu chuyện, ông lấy ra từ va li một gói giấy bọc chiếc hộp vuông nhỏ, nói: “Gửi em chai rượu sa kê anh mua từ Tokyo về uống chơi”. Thấy lạ, rượu sao lại vuông vức thế, tôi xin phép mở ra, thì ấy là một chai rượu được đựng bằng hộp giấy, có chiếc nắp cầu kỳ. Ông bảo: “Anh có uống rồi. Mấy người bạn Nhật đãi, rất ngon”.
Tôi ra về với tấm chân tình ấy, và trên đường nắng đổ, thấy như hiển hiện những thăng trầm trải qua của thương cảng sầm uất từng được đánh giá là quan trọng nhất trong khu vực!
|
Gió sông và lòng người
Đi qua cầu Ông Lãnh, một ngày tháng giêng rồi rẽ qua đường Khánh Hội để chạy dọc theo đường Bến Vân Đồn, mới thấy khu vực này có tầm nhìn thật đẹp. Cái đẹp ấy được nhân lên bằng gió sông thổi rượi cả chiều, và hơn hết là người Q.4 đã tự mình nỗ lực xóa đi cái tên “đất dữ”, để biến vùng đất này thành “đất hiền”. Một mảnh đất cưu mang biết bao người suốt nhiều thập niên đã qua.
Tôi vẫn nhớ con đường Hoàng Diệu một ngày nọ, bỗng dưng ven đường bị giải tỏa bởi một chủ trương đề ra của lãnh đạo quận là phải biến con đường mặt tiền này, đối diện với các cây cầu bên kia Q.1, thành ra hoành tráng tươi mới, sầm uất hơn. Công ty dịch vụ công ích của quận là đơn vị được giao nhiệm vụ. Con đường Hoàng Diệu nằm vắt từ đầu đường Nguyễn Tất Thành đến đường Khánh Hội, như gạch ngang của một chữ H. Không biết có sự trùng hợp hay không, mà cụm các khu chung cư hoành tráng mọc lên dọc theo con đường này đều mang ký hiệu bằng chữ H là H1, H2, H3.
Vào khoảng năm 2002, khi chuẩn bị cho các công trình mọc lên ở đây, ông T., giám đốc công ty dịch vụ công ích, cho rằng các khu chung cư này sẽ tạo đà cho sức bật của một quận vốn có rất nhiều khu nhà lụp xụp, cũng là quận có rất nhiều con đường hẻm nhỏ chằng chịt cần phải sắp xếp, cải tạo lại, nhằm cải thiện chỗ ở và sinh hoạt cho người dân. Thế là, với chủ trương đúng đắn ấy, con đường Hoàng Diệu đã khang trang hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, vị trí đắc địa của quận này, chỉ chạy qua các cây cầu là đến trung tâm Q.1, đã là một “sức bật vô hình” tạo nên một vị thế “đất lành” cho rất nhiều cư dân đến đây mưu sinh, tạo lập cuộc sống mới.
|
Nhưng, điều mà nhiều người đến Q.4 bây giờ không chỉ thích thú với cái nhộn nhịp của các khu vực mua bán sầm uất, những cao ốc, mà chính là mỗi lúc ban chiều ngồi quán cà phê bên sông, nghe gió thổi để ngẫm nghĩ về thời quá vãng, thuở nào nơi đây còn là chốn “ăn chơi xả láng” của thủy thủ các con tàu khi cập cảng Khánh Hội sau nhiều ngày lênh đênh trên biển hoặc các ghe thương hồ từ miệt châu thổ Cửu Long ngược lên buôn bán. Và vẫn còn lưu dấu lại trong lòng những người dân ở đây phong cách sống hào hiệp, trượng nghĩa của những tay giang hồ hảo hớn. Họ, có thể đã từng có một thời dọc ngang, nếu đã mất đi thì vẫn còn giữ lại vài giai thoại, nếu còn sống thì nay đã hòa vào cuộc sống chung, yên lành bình dị như chưa từng chạm mặt bao sóng gió cuộc đời!
Chỉ còn trong hồi ức
Vào khoảng cuối tháng 10.2019, tôi tình cờ đọc được một bài báo chuyên ngành giao thông vận tải, trong đó có cho biết một số thông tin về việc di dời và cải tạo khu thương cảng. Theo đó, cảng Sài Gòn sẽ dời về Nhà Bè với một cái tên mới và một chức năng rộng lớn hơn: Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, sẽ là dự án cảng hàng hóa tổng hợp có quy mô lớn nhất khu vực TP.HCM với 1.800 m cầu cảng, tổng diện tích hơn 100 ha. Năng lực tiếp nhận các tàu có tải trọng lên tới 70.000 DWT, công suất hàng hóa thông qua hơn 20 triệu tấn/năm. Sở dĩ người ta chọn vị trí như vậy là bởi có thể kết nối 3 tuyến đường vành đai mới mở sau này của TP.HCM liên kết với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ, khi đó cảng mới cũng có thể là điểm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu đến cảng Cái Mép - Thị Vải.
Một ngày nào đó, khu thương cảng quy tụ người dân tấp nập đổ về cả trăm năm nay và hình thành phát triển nên một quận, sẽ chỉ còn trong hồi ức. Nghĩ đến điều này, nhiều người dân định cư lâu đời ở Q.4 mỗi khi muốn kể lại đôi điều, có lẽ chỉ còn biết lần giở trong nỗi hoài niệm...
Đường Bến Vân Đồn (Q.4) Cảng Sài Gòn trước đây là nha thương cảng Sài Gòn. Với tổng chiều dài cảng trên 3,2 km (21 cầu), 27 bến phao trải dài dọc tuyến sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, Thiềng Liềng, cảng Sài Gòn đảm nhiệm sứ mệnh quan trọng phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển với tổng sản lượng hàng hóa bốc xếp hằng năm hơn 10 triệu tấn, chiếm 50% thị phần hàng tổng hợp trong khu vực.
|
Bình luận