Bình Định: Kiểm tra việc khai thác bạch đàn tại thắng cảnh Ghềnh Ráng

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
09/10/2022 19:20 GMT+7

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã kiểm tra, báo cáo về việc ông Lê Minh Tài tổ chức khai thác rừng trồng tại khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng (ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn).

Ngày 9.10, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản giao Sở VH-TT tỉnh này phối hợp UBND TP.Quy Nhơn và các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin về việc chặt phá cây rừng tại khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng (ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn), báo cáo kết quả cho lãnh đạo tỉnh trước ngày 15.10.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng giao UBND TP.Quy Nhơn kiểm tra việc UBND P.Ghềnh Ráng chấp thuận chủ trương cho khai thác rừng tại khu vực nêu trên, báo cáo UBND tỉnh.

Gỗ bạch đàn được khai thác, tập kết tại đồi Ghềnh Ráng

BẢO THOA

Chủ tịch UBND phường đồng ý cho khai thác rừng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thắng cảnh Ghềnh Ráng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 11.1991, diện tích bảo vệ vòng 1 là 10 ha, diện tích bảo vệ vòng 2 là 50 ha.

Ngày 26.8 vừa qua, ông Lê Minh Tài (ở khu vực 2, P.Ghềnh Ráng) có đơn xin khai thác cây bạch đàn tại khu rừng trồng của mình trên núi Xuân Vân trong tháng 9 và được ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND P.Ghềnh Ráng xác nhận đồng ý.

Từ ngày 4 - 15.9, ông Tài đã thực hiện khai thác rừng trồng tại đồi Xuân Vân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khu vực ông Tài khai thác rừng thuộc khu vực bảo vệ di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng và việc khai thác không đảm bảo phòng cháy chữa cháy rừng.

Khu vực rừng bị khai thác nằm gần bờ biển

BẢO THOA

Ông Lê Minh Tài cho rằng diện tích khai thác bạch đàn thuộc khu đất do gia đình ông khai hoang từ khoảng năm 1990 tại đồi Ghềnh Ráng để tăng gia sản xuất.

Năm 1993, khi UBND tỉnh Bình Định có chương trình trồng rừng sản xuất phủ xanh đồi trọc theo dự án PAM - 4304, ông Tài xin giao đất trồng rừng theo chương trình này và được UBND TP.Quy Nhơn chấp thuận.

Tổng diện tích khu đất ông Tài đang sử dụng canh tác bạch đàn là 7 ha (bao gồm 2 ha bị khai thác nói trên), thời hạn sử dụng 30 năm, kể từ năm 1993.

Năm 2004, Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Công ty CP Sài Gòn - Quy Nhơn thuê đất để thực hiện đầu tư xây dựng khu du lịch đồi Ghềnh Ráng.

Năm 2006, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định giải phóng mặt bằng khu vực đất đã để Công ty CP Sài Gòn - Quy Nhơn triển khai dự án nhưng ông Tài chưa nhận đền bù và vẫn tiếp tục trồng rừng sản xuất cho đến nay.

Một cây bạch đàn bị khai thác

BẢO THOA

Trên cơ sở đề nghị của Bảo tàng tỉnh Bình Định và chỉ đạo của UBND TP.Quy Nhơn, ngày 22.9 UBND P.Ghềnh Ráng đã có thông báo yêu cầu hộ ông Lê Minh Tài tạm dừng khai thác cây bạch đàn trong khu vực di tích đồi Ghềnh Ráng.

Đề xuất thu hồi đưa vào phạm vi bảo vệ vòng 2 của di tích

Ngày 4.10, Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP.Quy Nhơn phối hợp Phòng TN-MT TP.Quy Nhơn và UBND P.Ghềnh Ráng làm việc với ông Tài về việc khai thác rừng trồng nói trên. Kết quả xác định, toàn bộ diện tích 7 ha rừng hộ gia đình ông Tài được nhà nước giao đất để trồng rừng theo dự án PAM – 4304 (sử dụng từ năm 1993 và sẽ hết thời hạn giao đất vào năm 2023) nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh Bình Định. Hiện UBND tỉnh Bình Định chưa có quyết định thu hồi đối với diện tích đất trồng rừng này.

Sở VH-TT tỉnh Bình Định xác định khu vực khai thác rừng trồng của hộ ông Lê Minh Tài không thuộc khu vực bảo vệ 1 của di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng.

Gỗ bạch đàn khai thác tại đồi Ghềnh Ráng

BẢO THOA

Theo ông Dương Hiệp Hòa, Phó chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, đơn vị này đã tổ chức cuộc họp bàn xử lý vụ việc nói trên. Theo đó, UBND TP.Quy Nhơn yêu cầu Chủ tịch UBND P.Ghềnh Ráng rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCC rừng và thực hiện đúng quy trình về khai thác rừng trồng.

UBND TP.Quy Nhơn cũng đề xuất UBND tỉnh Bình Định xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triển khai thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất rừng của hộ ông Lê Minh Tài tại đồi Ghềnh Ráng để đưa diện tích được thu hồi này vào phạm vi bảo vệ vòng 2, tạo cảnh quan, thực hiện dự án khu di tích thắng cảnh Ghềnh Ráng (giai đoạn 2) nhằm phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch.

Gỗ khai thác được tập kết ngay trên đường đi

BẢO THOA

UBND TP.Quy Nhơn cũng đề xuất UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cơ quan thẩm quyền tiến hành cắm mốc ranh giới, phạm vi khu vực bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng để tổ chức tốt công tác phối hợp bảo vệ di tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.