Binh lực Mỹ xung quanh Biển Đông

26/02/2017 09:00 GMT+7

Nhằm ứng phó tình trạng Trung Quốc phô diễn sức mạnh ở Biển Đông, Mỹ thường xuyên triển khai khí tài quân sự tới khu vực và những vùng lân cận.

Theo báo cáo quân sự nội bộ của Mỹ mà Đài NBC News vừa có được, quân đội nước này hiện liên tục triển khai tàu chiến mặt nước, chiến đấu cơ, tàu ngầm hoặc một số loại khí tài quân sự khác tới những vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Cụ thể, ngày 18.2, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ gồm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, khu trục hạm USS Wayne E.Meyer và một đội chiến đấu cơ bắt đầu hoạt động tuần tra thông thường ở Biển Đông. Trước khi vào khu vực này, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiến hành nhiều hoạt động ở biển Philippines, theo thông báo trên website của hải quân Mỹ.
Đến ngày 23.2, hải quân Mỹ tiếp tục công bố hình ảnh chụp tàu tác chiến cận bờ USS Coronado hoạt động ở Biển Đông. Trong tháng trước, hải quân Mỹ đã triển khai 3 tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân gồm USS Alexandria, USS Chicago và USS Louisville, tới tây Thái Bình Dương và ít nhất một chiếc đã vào Biển Đông.
Trong tháng 2, Mỹ đã điều 12 chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor tới Tindal, căn cứ quân sự của Úc, để tập trận chung với không quân nước chủ nhà. Đây là lần đầu tiên không quân Mỹ triển khai nhiều chiếc F-22 tới Thái Bình Dương, theo NBC News. Ngoài ra, Mỹ còn thử 4 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân Trident 2, đánh dấu lần đầu tiên trong 3 năm qua nước này thử tên lửa ở Thái Bình Dương và lần đầu tiên phóng cùng lúc 4 tên lửa kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
NBC News dẫn lời một số quan chức Lầu Năm Góc cho hay Washington cố tình công khai những hoạt động quân sự như trên nhằm gây sự chú ý đối với Bắc Kinh.
Tín hiệu cho Trung Quốc
Một số nhà quan sát nhận định những hoạt động quân sự gần đây cho thấy phản ứng ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống hôm 20.1.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã cấp tập cải tạo các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự, xây đường băng và bến tàu cũng như nhiều cơ sở khác. Cách đây vài ngày, Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc sắp hoàn thành khoảng 20 nhà chứa tên lửa đất đối không tầm xa trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Ông Mark Lippert, từng làm phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời của chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng Washington đang muốn gửi một thông điệp về tự do hàng hải, “thương mại mở và tự do cũng như thượng tôn pháp luật”. “Việc tuân theo những nguyên tắc đó lâu nay góp phần thúc đẩy phát triển dân chủ và kinh tế ở khu vực. Trung Quốc đang thách thức quyền tự do hàng hải của chúng ta”, ông Lippert nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với NBC News.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 21.2 tuyên bố: “Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các nước ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV) theo luật pháp quốc tế. Nhưng chúng tôi phản đối những ai đe dọa và làm tổn hại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển với cái cớ thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không”. Ông Cảnh đưa ra tuyên bố trên khi được được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh đối với việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tuần tra ở Biển Đông.

tin liên quan

Tổng thống Trump lên tiếng về Biển Đông
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters được đăng tải ngày 24.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông “không vui và không thích” những gì đang diễn ra tại Biển Đông. 
Kế thừa chiến lược “tái cân bằng”
Ngoài những hoạt động nhằm thị uy sức mạnh quân sự với Trung Quốc vừa qua, Washington vẫn đang thực hiện chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự lâu dài ở khu vực. NBC News chỉ ra rằng Mỹ đã điều một phi đội chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35B tới căn cứ không quân Iwakuni trên đảo Okinawa của Nhật hồi tháng trước, đánh dấu lần đầu tiên loại máy bay này được triển khai đóng trú ở nước ngoài.
Trong tháng này, Mỹ cũng đã điều 4 máy bay ném bom B-1B Lancer tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam thuộc tây Thái Bình Dương nhằm duy trì sự hiện diện liên tục của oanh tạc cơ ở khu vực. Hồi năm ngoái, Mỹ từng triển khai 3 loại máy bay ném bom B-52, B-1B và B-2 tới căn cứ Andersen. Đó là lần đầu tiên tất cả 3 loại oanh tạc cơ của Mỹ được điều tới Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nước này cũng đang xúc tiến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện đại ở Hàn Quốc và Nhật Bản để tăng cường sự hợp nhất về hệ thống này với hai nước đồng minh. Hồi đầu tháng 2, Mỹ và Nhật đã thử thành công tên lửa đánh chặn mới SM-3 Block IIA, được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí chủ chốt của một hệ thống phòng thủ tối tân. Quân đội Mỹ còn có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc trong năm nay, bất chấp phản đối của Trung Quốc và Nga.
Bên cạnh đó, hải quân Mỹ còn gia tăng chuyến thăm tới các cảng biển của những nước ở ven bờ Biển Đông như Indonesia, Philippines, Brunei. Theo NBC News, Mỹ còn duy trì sự hiện diện gần như liên tục của không quân và hải quân ở Singapore. NBC News dẫn chứng là chiếc tàu tác chiến cận bờ USS Coronado của Mỹ ra vào Singapore trong suốt năm 2016.
Từ những sự bố trí trên, một sĩ quan hải quân Mỹ nhận định với NBC News rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện kế thừa chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Barack Obama.

tin liên quan

F-35B bay từ Mỹ sang Nhật mất… 7 ngày
Thủy quân lục chiến Mỹ vừa triển khai 10 tiêm kích tàng hình F-35B từ Mỹ sang căn cứ ở Nhật Bản. Đáng nói là các máy bay này bay đến Nhật mất 7 ngày, trong khi một máy bay chở khách bay quãng đường đó chưa đến 24 giờ. Vì sao?
Ông Trump muốn có quân đội mạnh nhất trong lịch sử
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25.2 tuyên bố sẽ đề xuất một khoản ngân sách lớn để biến quân đội nước này trở nên “mạnh mẽ và lớn hơn bao giờ hết”, theo Reuters. Tổng thống Trump nói rõ rằng ông muốn quân đội nâng cao các khả năng phòng thủ lẫn tấn công. “Đó sẽ là một trong những đợt nâng cấp quân đội lớn nhất trong lịch sử Mỹ”, ông Trump nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Nhà trắng Sean Spicer cho hay đề xuất ngân sách cho năm nay sẽ “rất rõ ràng” về chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, theo Reuters, đề xuất tăng ngân sách quốc phòng của ông Trump có thể gặp sự phản đối ở quốc hội do nó có thể khiến tình trạng thâm hụt ngân sách Mỹ càng trầm trọng hơn. Hiện chưa rõ mức đề xuất ngân sách dành cho việc tăng cường sức mạnh quân sự của ông Trump. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2015 là 598 tỉ USD, gần bằng con số 664 tỉ USD của tổng cộng 14 nước xếp sau Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.