Bình Thuận: Khoáng sản khai thác trái phép của Tú 'ác' tiêu thụ ở đâu?

24/09/2024 15:57 GMT+7

Nhiều năm khai thác khoáng sản trái phép, Trần Văn Thuận (tức Tú "ác") đã đưa đi tiêu thụ ở đâu? Vì sao không bị phát hiện?

Như Thanh Niên đã đưa tin, Trần Văn Thuận (tức Tú "ác", ngụ xã Sơn Mỹ, H.Hàm Tân, Bình Thuận) vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản.

Theo thông tin mà PV Thanh Niên có được, cách đây hơn 3 năm, có sự trùng hợp "đến lạ" về các đoàn kiểm tra, thanh tra quá trình khai thác, buôn bán khoáng sản tại Công ty TNHH TM-DV Long Thái Việt (gọi tắt là Long Thái Việt) do Trần Văn Thuận làm Giám đốc.

Cụ thể, ngày 7.6.2021, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn, yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra về việc mua bán, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp để san lấp tại dự án De Lagi (xã Tân Phước, TX.La Gi).

Bình Thuận: Khoáng sản khai thác trái phép của Tú 'ác' tiêu thụ ở đâu?- Ảnh 1.

Mỏ cát bồi nền không phép của Tú "ác" ở thôn 3, Sơn Mỹ

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Ngày 26.11.2021, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có báo cáo (số 04) cho cơ quan chức năng nhiều nội dung liên quan đến khoáng sản không rõ nguồn gốc tại dự án De Lagi. Theo báo cáo, trong tổng số hơn 126.000 m3 cát đưa từ bên ngoài vào san lấp tại dự án De Lagi, các nhà thầu có mua khối lượng lớn cát từ Long Thái Việt và Công ty TNHH Phương Nam Bình Thuận.

Cụ thể, Công ty Đ.T đã mua của Long Thái Việt khối lượng 3.930 m3 cát, tổng giá trị thanh toán là 471,6 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã xác minh Long Thái Việt có bán khối lượng cát trên cho Công ty Đ.T để san lấp tại dự án De Lagi.

Bình Thuận: Khoáng sản khai thác trái phép của Tú 'ác' tiêu thụ ở đâu?- Ảnh 2.

Nơi tập kết khoáng sản trái phép của Trần Văn Thuận

ẢNH: H.L

Một nhà thầu phụ khác là Công ty CP ĐTVL Sài Gòn đưa lượng cát hơn 40.000 m3 vào dự án De Lagi (giá trị thanh toán hơn 7 tỉ đồng) có khai báo, trong đó mua 3.000 m3 của Long Thái Việt. Một nhà thầu khác là Công ty C.H cũng mua 1.500 m3 cát của Long Thái Việt để đưa vào san lấp dự án này.

Khi đoàn kiểm tra liên ngành vào làm việc, Long Thái Việt xác nhận có bán cho các đơn vị thi công dự án De Lagi với khối lượng cát 10.050 m3 cát để san lấp có giấy phép khai thác. Đoàn kiểm tra liên ngành cho hay, việc mua bán này có ký tên, đóng dấu, xác nhận khối lượng cát đã cung cấp cho dự án De Lagi, nhưng sau đó không tìm thấy các biên bản này.

Cho đến tháng 5.2024, Đoàn kiểm tra liên ngành do tỉnh Bình Thuận thành lập, tiếp tục phát hiện trong suốt khoảng thời gian từ ngày 5.6.2021 đến cuối tháng 12.2023, Long Thái Việt đã bán ra ngoài khối lượng (cát đỏ bồi nền) hơn 24.000 m3 nhưng không có hóa đơn, chứng từ mua bán.

Câu hỏi đặt ra là lượng cát mà Long Thái Việt đã bán cho các nhà thầu san lấp dự án De Lagi có nguồn gốc từ đâu?. Có phải là cát khai thác trái phép không?. Vì sao đoàn kiểm tra trước đó thì nói khai thác có phép; hơn 3 năm sau đoàn thanh tra khác lại phát hiện không có hóa đơn, chứng từ?

Nhiều câu hỏi mà người dân xã Sơn Mỹ (H.Hàm Tân) đặt ra đang chờ Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận sớm làm sáng tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.