Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh Bình Thuận có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước. Bình Thuận còn là cửa ngõ, kết nối vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ, kết nối các tỉnh Tây nguyên với biển đảo.
Quy hoạch tỉnh giúp thu hút nhiều nhà đầu tư
Với chiều dài bờ biển 192 km, Bình Thuận còn có đảo Phú Quý, tiếp giáp ngư trường biển Trường Sa, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch.
Hiện nay, hạ tầng cơ sở của Bình Thuận được đầu tư khá đồng bộ. Nổi bật là các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Cam Lâm, kết nối thông suốt với các tỉnh miền Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Bình Thuận cũng có hệ thống đường ven biển, cảng tổng hợp Vĩnh Tân, cảng chuyên dụng Sơn Mỹ và đang gấp rút thi công sân bay Phan Thiết.
Về công nghiệp, hiện Bình Thuận có 9 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập KCN Sơn Mỹ 2; có Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (4 nhà máy nhiệt điện) và sắp tới có thêm trung tâm điện lực Sơn Mỹ công suất gần 10.000 MW và hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió, hệ thống truyền tải. Không những vậy, Bình Thuận còn được các công ty tư vấn quốc tế đánh giá là nơi có điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi tốt nhất cả nước.
Về du lịch, Bình Thuận nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nổi bật là Khu du lịch quốc gia Mũi Né, trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Theo ông Đoàn Anh Dũng, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27.12.2023) là cơ sở để Bình Thuận thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, nhằm phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được duyệt, Bình Thuận tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển 3 trụ cột: công nghiệp (nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến); du lịch nghỉ dưỡng (giải trí, thể thao biển) và nông nghiệp (nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao...).
Nắng và gió là tài nguyên
Phát biểu tại buổi lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương những nỗ lực của địa phương và cho biết quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 25 lần so với thời điểm tái lập tỉnh (năm 1992); GRDP năm 2023 tăng 8,1%, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh, thành Duyên hải miền Trung, bình quân thu nhập của tỉnh đạt 87 triệu đồng/người.
Về quy hoạch tỉnh vừa được công bố, Phó thủ tướng nhấn mạnh với vị trí địa lý đặc biệt, Bình Thuận đang là trung tâm phát triển năng lượng sạch của cả nước. Du lịch biển là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là một trong những điểm đến của con đường di sản miền Trung.
"Tuy nhiên, quy hoạch được công bố mới chỉ là khởi đầu của định hướng về không gian phát triển và liên kết vùng", Phó thủ tướng nói và cho biết hiện nay quy hoạch vùng cũng đang được trình Thủ tướng phê duyệt.
Do vậy, sự liên kết của Bình Thuận với các vùng để phát triển kinh tế là rất quan trọng mà tỉnh cần phải nghiên cứu triển khai.
"Bình Thuận đầy nắng và gió. Đây chính là lợi thế để tỉnh phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tĩnh năng. Nguồn tài nguyên vô tận của tỉnh chính là năng lượng tái tạo", Phó thủ tướng nói.
"Bình Thuận còn một tài nguyên quý giá nữa đó là mỏ titan. Ở Bình Thuận bất cứ nơi nào cũng có titan. Tuy nhiên, Bình Thuận cần chú trọng khai thác titan gắn với chế biến sâu. Những nơi nào mâu thuẫn với kinh tế xanh thì chúng ta không làm để phát triển hài hòa với các ngành khác", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng lưu ý Bình Thuận phải đảm bảo an ninh lương thực. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp truyền thống của Bình Thuận không thể chuyển sang công nghiệp ngay được, mà phải cần thời gian dài. Do vậy phải tái cấu trúc lại mô hình sản xuất nông nghiệp, nhất là chế biến sâu, tiết kiệm nguồn nước.
Phó thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư vào Bình Thuận.
"Với khát khao đổi mới và phát triển, với quy hoạch mới vừa được công bố, tôi cho rằng thời gian tới Bình Thuận sẽ làm giàu từ biển, phát triển nhanh, mạnh và bền vững, thu nhập bình quân đầu người cao hơn trong khu vực và cả nước", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận ngày 28.2, trước sự chứng kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang có dự án tại địa phương; đồng thời trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đang xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận.
Bình luận (0)