Bình Thuận sẽ phạt nặng và thu hồi dự án chậm triển khai

Quế Hà
Quế Hà
21/09/2023 19:16 GMT+7

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có hàng loạt dự án thuộc diện chậm triển khai theo quy định. UBND tỉnh Bình Thuận vừa cho rà soát lại và yêu cầu làm thủ tục thu hồi dự án nếu chậm triển khai không lý do.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có chỉ đạo tiến hành rà soát lại danh mục tất cả các dự án (DA) đầu tư trên địa bàn chậm triển khai hoặc chậm đưa đất vào sử dụng để xử lý theo quy định của luật Đầu tư.

Theo đó, hiện lĩnh vực du lịch còn 381 DA còn hiệu lực đầu tư, gồm 193 DA đã đi vào hoạt động (chiếm 50,66 %); 94 DA đang xây dựng và 94 DA chưa triển khai (chiếm 24,67%).

Đối với khu dân cư hiện có 34 DA còn hiệu lực, trong đó có 16 DA đã triển khai, 8 DA đang triển khai nhưng chậm và còn 10 DA chưa triển khai. Trong lĩnh vực công nghiệp, khoáng sản còn 53 DA chưa triển khai; lĩnh vực nông lâm, thủy sản còn 16 DA chưa triển khai.

Sở KH-ĐT dẫn con số từ Cục Thống kê Bình Thuận cho biết, với tổng số hơn 1.600 DA toàn tỉnh đã thu hút các nguồn lực xã hội tương đương 1.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, trong số các nhà đầu tư tại tỉnh vẫn còn 197 doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất với số tiền trên 163 tỉ đồng.

Bình Thuận: Dự án chậm triển khai có thể bị phạt nặng hoặc chấm dứt hoạt động - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng phát biểu tại cuộc họp đánh giá lại thực trạng các DA chậm triển khai trên địa bàn ngày 20.9

T.T.D

Vì sao nhiều DA không triển khai, gây lãng phí đất?

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT Bình Thuận, nguyên nhân của hiện tượng hàng loạt DA kinh tế chậm triển khai là do vướng về đền bù, giải tỏa mặt bằng. Nhiều DA không thuộc diện nhà nước thu hồi đất đai, mà nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với các hộ dân. Nhưng xét tính pháp lý đất đai ở cơ sở hiện nay có nhiều nhiêu khê, phức tạp thậm chí có tiêu cực. Vướng mắc nữa là do thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều DA ven biển vướng mắc tại khoản 1, Điều 79, luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo.

Cụ thể, kể từ khi luật này được công bố (25.6.2015) phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép xây dựng công trình trong phạm vi 100 m, tính từ mép nước chiều cao trung bình nhiều năm. Ngoài ra, việc chồng lấn trong quy hoạch dự trữ khoáng sản titan.

Về nguyên nhân chủ quan, Sở KH-ĐT Bình Thuận khẳng định do nhiều nhà đầu tư chưa tích cực, thiếu tâm huyết và thiếu năng lực, kinh nghiệm và thiếu khả năng tài chính.

Có nhiều trường hợp cố tình kéo dài và chờ sang nhượng để kiếm lợi nhuận. Trong đó, một phần là lỗi tại các cơ quan chuyên môn của nhà nước trong việc thẩm định giá đất, giấy phép xây dựng. Có những DA hiện nay đã cho thuê đất, nhưng chưa luân chuyển hồ sơ đất tại cơ quan thuế.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xử phạt 21 nhà đầu tư số tiền 1,7 tỉ đồng (năm 2022 phạt 60 nhà đầu tư số tiền 5,1 tỉ đồng). Theo Sở KH-ĐT Bình Thuận, để chấm dứt hoạt động DA đối với các DA chậm trễ kéo dài hiện đang vướng một số quy định của luật cần phải điều chỉnh quy định cho phù hợp.

Bình Thuận: Dự án chậm triển khai có thể bị phạt nặng hoặc chấm dứt hoạt động - Ảnh 2.

Những DA chậm triển khai ở Bình Thuận nếu không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt nặng hơn nữa có thể sẽ bị thu hồi

H.LINH

Kiên quyết thu hồi DA đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình kéo dài

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ các DA, nhưng vẫn còn nhiều DA chậm triển khai.

Ngoài yếu tố khách quan, ông Dũng cho rằng có nguyên nhân chủ quan, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc cho tỉnh thiếu sự phối hợp, chậm trễ tháo gỡ các kiến nghị của chủ đầu tư. Dẫn đến tiến độ các DA chậm trễ, gây lãng phí, ảnh hưởng chính sách đầu tư của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cần phân loại các DA chậm triển khai để xử lý theo từng nhóm nguyên nhân. Đối với các DA đã đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình kéo dài thì kiên quyết thu hồi, chấm dứt hoạt động. 

Mặt khác, Sở KHĐT tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, xử phạt các nhà đầu tư chậm tiến độ như cam kết theo đúng quy định của luật.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT Bình Thuận, tính đến tháng 9.2023 trên địa bàn tỉnh có 1.628 DA còn hiệu lực đầu tư. Trong đó có 1.234 DA đã  đi vào hoạt động (tỷ lệ 75,8%); 198 DA đang xây dựng (tỷ lệ 12,16%); 196 DA chưa triển khai (tỷ lệ 12,04%). Các địa phương còn nhiều DA chưa được triển khai xây dựng là H.Tuy Phong 19/199 DA, H.Bắc Bình 38/146, TP.Phan Thiết 22/438,H. Hàm Thuận Nam 40/227, Hàm Tân 26/106 và TX.La Gi 25/104.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.