Những va li, thùng xốp triệu USD tiền hối lộ
Cuối tháng 2.2019, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son bị bắt với tội danh vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Hai tháng sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung ông Son về tội danh nhận hối lộ. Tại phiên tòa diễn ra cuối năm đó, ông Sơn khai, sau khi chỉ đạo thương vụ MobiFone mua AVG trót lọt, ông được cựu Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ đưa 3 triệu USD (tương đương 66 tỉ đồng) tại nhà riêng.
Sau khi nhận tiền, ông Son mang 3 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào một chiếc va li du lịch màu đen và một ba lô du lịch tối màu; số còn lại cho vào một chiếc va li du lịch loại to màu trắng, sau đó cất ở ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.
Ông Son được tòa tuyên án chung thân do đã nộp lại toàn bộ 3 triệu USD nhận hối lộ. Vụ án này cũng được đánh giá là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp VN. Lần đầu tiên dư luận nghe tới những va li tiền hối lộ triệu USD để ở ban công.
Nhưng cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son không phải người cuối cùng. Trong 5 năm qua, hàng loạt cán bộ, quan chức đã bị phát hiện nhận hối lộ hàng triệu USD, tất cả đều bằng tiền mặt. Trong "đại án" kit test Việt Á, thông qua việc ưu ái giúp Công ty Việt Á được cấp phép và bán kit test khắp 62 tỉnh, thành, thu lợi bất chính cả ngàn tỉ đồng, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhiều lần nhận hối lộ 2,2 triệu USD (hơn 50 tỉ đồng) từ Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á. Cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh cũng nhận 200.000 USD (gần 5 tỉ đồng), để trong chiếc va li ở garage ô tô, định trả lại nhưng... quên mất.
Còn trong vụ "chuyến bay giải cứu", cựu Trưởng phòng Điều tra Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) Hoàng Văn Hưng nhiều lần nhận hối lộ với tổng số tiền 800.000 USD từ người môi giới là cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để "chạy án" cho 2 lãnh đạo doanh nghiệp. Có lần, 450.000 USD tiền hối lộ được ông Tuấn bỏ đầy trong một chiếc va li để giao cho Hưng, mà ban đầu cựu điều tra viên một mực chối rằng trong chiếc va li chỉ có 4 chai rượu vang.
Gần đây nhất là vụ án Vạn Thịnh Phát, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) SCB) mang 3 thùng xốp đựng 5 triệu USD đến nhà riêng để hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NH II (NH Nhà nước)...
Thanh toán bằng tiền mặt một cách dễ dàng đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực. TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho rằng việc mang cả núi tiền mặt đi hối lộ là minh chứng cho thấy quản trị về thanh toán tiền mặt hiện chưa chặt chẽ. "Nếu mình có công cụ thì không có chuyện đưa cho nhau cả thùng tiền như thế", ông Minh nói, đồng thời cho rằng việc sử dụng tiền mặt quá nhiều và quá dễ dàng tại VN khiến việc kiểm soát tài sản cán bộ gặp nhiều trở ngại. Việc phát hiện và kiểm soát các hành vi tham nhũng, do đó cũng gặp vô vàn khó khăn.
Cần những quy định triệt để, đồng bộ hơn
"Công cụ" mà TS Đinh Văn Minh nói tới chính là thanh toán không dùng tiền mặt. Như câu chuyện ở Trung Quốc, khi khám xét một số quan tham, cơ quan chức năng phát hiện căn nhà chất đầy tiền mặt, bởi họ chỉ giao dịch qua tài khoản, có tiền mặt cũng không tiêu được. Ông Minh dẫn thực tế hiện nay "ra đến chợ bà bán cá, bán rau cũng đều có mã QR để chuyển khoản", nên giải pháp này hoàn toàn khả thi với VN. "Khi đã chặn được dòng tiền, cán bộ dù có kiếm được nhưng cũng không thể tiêu, tự khắc sẽ không tham nhũng nữa", ông Minh nói.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt từ lâu đã được xác định như một giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tài sản cán bộ thông qua việc "minh bạch hóa" các giao dịch. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành hẳn một mục riêng về nội dung này, trong đó quy định các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng; các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên, đều phải thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2021, Chính phủ cũng có một đề án riêng thúc đẩy không dùng tiền mặt.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là nhận hối lộ. Nhiều cán bộ, quan chức bị phát hiện nhận hối lộ khi các khoản tiền "cảm ơn", "lại quả" được thực hiện qua các giao dịch NH, dù đã cẩn thận sử dụng tài khoản của người thân, bạn bè. Điển hình là vụ kit test Việt Á, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Duy Tiến nhận hối lộ của Phan Quốc Việt 27 tỉ đồng qua tài khoản NH của bạn bè, người thân. Hay như vụ chuyến bay giải cứu, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ hàng trăm lần với số tiền hơn 40 tỉ đồng đều qua tài khoản NH của mẹ vợ…
Hiệu quả là thấy rõ, nhưng ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, người trước Quốc hội từng đề nghị bắt buộc tất cả giao dịch bất động sản phải thực hiện qua NH, cho rằng dường như vẫn còn một sự "lấn cấn", thiếu sự quyết liệt, triệt để trong các quy định nhằm sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. "Tất nhiên với bối cảnh nền kinh tế, thói quen của người VN thì cần phải có lộ trình. Nhưng đến lúc nào đó phải có những quy định quyết liệt hơn, thậm chí có tính chất cưỡng chế như yêu cầu bắt buộc các giao dịch giá trị lớn mang tính kinh doanh, sinh lợi phải thực hiện qua NH hay quy định ngưỡng được phép thanh toán bằng tiền mặt", ông An kiến nghị.
Cùng chung nhận định thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu, cũng là yêu cầu bắt buộc, ông Nguyễn Mạnh Cường dẫn thực tế tại nhiều quốc gia, nếu thanh toán khoản tiền có giá trị nhất định là buộc phải sử dụng thẻ, mang tiền mặt thì không tiêu được. "Tiến tới chúng ta cũng cần yêu cầu tất cả những giao dịch lớn đều bắt buộc phải thanh toán qua tài khoản NH. Qua đó chúng ta kiểm soát được những giao dịch đáng ngờ, kiểm soát được dòng tiền không chính đáng, không hợp pháp", ông Cường nói.
Ông Trịnh Xuân An thì cho rằng phải đồng bộ không chỉ về cơ sở hạ tầng cho thanh toán không dùng tiền mặt mà cả các thị trường khác như chứng khoán, trái phiếu, vàng, kim loại quý… cần được phát triển lành mạnh, không bị méo mó. "Tránh tình trạng không được dùng tiền mặt thì lại dùng các biện pháp khác để tham nhũng, tiêu cực", ông An khuyến nghị, đồng thời nhấn mạnh thanh toán không dùng tiền mặt chỉ là phương thức, cốt lõi vẫn là phải làm rõ được nguồn gốc của dòng tiền.
Chia sẻ quan điểm này, TS Đinh Văn Minh lưu ý thêm, phải quản các giao dịch nhưng không chỉ quản một cách "tĩnh" mà phải nắm được sự dịch chuyển của dòng tiền; bởi thế cần áp dụng cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt từ hoạt động chi ngân sách, cho đến chi tiêu xã hội. "Hãy tưởng tượng, mọi giao dịch đều thông qua NH, việc kiểm tra, kiểm soát dòng tiền sẽ rất dễ dàng. Như ở các quốc gia trên thế giới, mặc dù rất tôn trọng quyền cá nhân, nhưng khi phát hiện giao dịch nào có dấu hiệu bất thường, lập tức họ sẽ cho vào tầm ngắm, để phòng chống các hoạt động rửa tiền, hoặc có dấu hiệu tội phạm", ông Minh nói.
Ông Minh cũng khuyến nghị có thể tính toán đến việc yêu cầu cán bộ công chức phải có một tài khoản, tất cả những tiền gì nhận được đều phải thông qua tài khoản đó. "Việc này cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước. Nếu anh liêm chính, thẳng thắn trung thực thì không ngại gì cả", ông Minh nói.
Bình luận (0)