Bịt 'lỗ hổng' kiểm soát tài sản cán bộ: Vì sao 'con voi chui lọt lỗ kim'?

18/10/2024 05:45 GMT+7

Một trong 5 căn cứ để xác minh tài sản, thu nhập là xác minh hằng năm theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên, với tỷ lệ tối thiểu 10%. Xét về con số tuyệt đối, số lượng bản kê khai phải xác minh mỗi năm vô cùng lớn, là thách thức không hề nhỏ đối với năng lực của cơ quan được giao thẩm quyền xác minh.

Xác minh chỉ ở khâu đối chiếu giấy tờ kê khai

Theo TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), hiện nay có gần 1.000 cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN). Số lượng nhiều đồng nghĩa tính chuyên nghiệp không cao, nhất là những cơ quan thực hiện theo cơ chế kiêm nhiệm. Trong khi đó, việc xác minh TSTN đòi hỏi nghiệp vụ sâu, "người ta khai có 2 ngôi nhà hoặc có 5 tỉ đồng thì không chỉ đi kiểm tra đúng là có 2 sổ đỏ hoặc tài khoản có đúng từng đó tiền", phải truy được nguồn gốc tài sản hoặc tài sản bên ngoài bản kê khai. Thực tế này có thể dẫn tới câu chuyện làm thì vẫn đúng quy trình, nhưng kết quả lại chỉ mang tính hình thức.

 - Ảnh 1.

Buổi bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương quản lý

ẢNH: CTV

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận việc xác minh TSTN hiện nay mới chủ yếu dừng lại ở mức đối chiếu giữa bản kê khai với các giấy tờ mà người kê khai cung cấp. Nguyên nhân một phần từ chủ quan, nhưng một phần cũng do khách quan, khi việc liên hệ với các cơ quan thuế, cơ quan tài chính, ngân hàng, đất đai gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, việc xác minh phần lớn được triển khai qua công tác cán bộ, xác minh ngẫu nhiên hằng năm hoặc khi có bầu cử, bổ nhiệm; còn xác minh với trường hợp có biểu hiện bất thường hoặc khiếu nại, tố cáo thì vẫn còn ít.

Tháng 3.2022, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN. Với sự đồng bộ và kết nối dữ liệu trên toàn quốc, cơ sở này được kỳ vọng sẽ giúp công tác xác minh TSTN thuận lợi và hiệu quả hơn. Tuy vậy, đến nay việc xây dựng cơ sở còn chậm, Thanh tra Chính phủ trong nhiều lần trả lời cử tri cho biết vẫn "đang triển khai thực hiện". Một khi còn phải chờ, những trở ngại đối với công tác xác minh TSTN sẽ tiếp tục kéo dài.

"Cùng lắm là mất chức, tiền thì vẫn còn đó"

Thách thức đối với công tác kiểm soát TSTN không chỉ đến từ con người và quy định pháp luật, mà còn xuất phát từ những yếu tố mang tính đặc thù. Đó là thói quen thanh toán bằng tiền mặt của nền kinh tế. Trong nhiều vụ án tham nhũng, với hành vi nhận hối lộ thời gian qua, nhiều trường hợp quan chức nhận hối lộ hàng triệu USD nhưng đều bằng tiền mặt. Điều này gây khó khăn lớn cho các cơ quan chức năng trong kiểm soát, phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

TS Đinh Văn Minh nói, ở nước ngoài, cha mẹ cho con tài sản cũng phải có hợp đồng tặng cho. Còn tại VN, người dân sử dụng quá nhiều tiền mặt, khiến việc truy vết dòng tiền rất khó khăn; vì thế mới có những trường hợp mang cả "núi tiền mặt" đi hối lộ. Tiền được giao dịch không thông qua tài khoản nên cán bộ không kê khai thì rất khó để phát hiện.

Ngay cả khi đã phát hiện được cán bộ kê khai TSTN không trung thực, nhiều ý kiến nhận định việc xử lý hiện nay còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Theo quy định tại luật PCTN năm 2018, người kê khai tài sản không trung thực sẽ bị xử lý kỷ luật (cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức…), xóa tên khỏi danh sách ứng cử hoặc không được bổ nhiệm, tái bổ nhiệm…

Chế tài như vậy mới dừng ở mức kỷ luật, nhằm chặn đứng con đường quan lộ của người kê khai không trung thực. Tuy nhiên, số TSTN cố tình che giấu hoặc không giải trình được nguồn gốc thì vẫn "bình an vô sự". TS Minh cho rằng thực tế này có thể dẫn tới tâm lý nhờn luật, "cùng lắm là mất chức, tiền thì vẫn còn đó".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.