Chỉ vì tranh chấp lối đi chung, một hộ dân đã xây bức tường cao hơn 2 m khiến hàng xóm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đáng nói, phía trong ngôi nhà bị “phong tỏa” là cụ bà 78 tuổi nằm liệt giường, cần người vào ra chăm sóc. Việc làm “vô pháp” này khiến bạn đọc vô cùng bức xúc.
Cụ thể, như Thanh Niên thông tin: Hằng ngày người thân của cụ Đàm Thị Quế (78 tuổi, trú thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, H.Chương Mỹ, Hà Nội) phải bắc 2 chiếc thang để vượt qua bức tường cao hơn 2 m vào nhà đưa cơm, chăm sóc cụ, bởi ngõ vào nhà cụ Quế đã bị hàng xóm là ông Trịnh Huy Hà bịt kín. Nguyên nhân, người hàng xóm cho rằng lối đi chung này đã được “xã chuyển quyền sở hữu vào năm 1994”. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Luyện, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, cho biết liên quan đến vấn đề tranh chấp lối đi này, chính quyền đã có kết luận thanh tra và xác định các nguyên lãnh đạo xã bán đất sai thẩm quyền; một số lãnh đạo, cán bộ thời đó đã bị kỷ luật. Ông Luyện cũng khẳng định “đó là lối đi chung” nên việc ông Hà bít lối đi vào nhà cụ Quế là “hoàn toàn sai”. Hiện chính quyền đang chờ gia đình ông Hà khắc phục, trả lại hiện trạng, “nếu không sẽ cưỡng chế”.
Tình người ở đâu ?
Nhiều bạn đọc (BĐ) đã “không thể tưởng tượng” khi biết thông tin trên. “Hành xử như vậy đối với một cụ già sao? Có còn chút tình người nào không vậy?”, BĐ Tiểu Minh (Cần Thơ) thốt lên. “Tình người từ đâu mà có? Không lẽ chỉ có khi nó được vùi sâu trong ba lớp đất. Đừng nghĩ rằng nó sẽ mất đi mãi mãi, mà nó sẽ vận vào mỗi chúng ta theo suốt cuộc đời này. Không thoát được đâu, ai kia”, BĐ Võ Tâm (TP.HCM) nhắn nhủ. Còn BĐ Như Toàn (Hà Nội) cho rằng cơ quan chức năng địa phương cần hành động nhanh, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc liên quan đến tranh chấp lối đi chung này.
|
Theo BĐ Nguyễn Văn Xanh, dư luận bức xúc, phản ứng gay gắt việc gia đình ông Hà ngang nhiên bít lối đi một thì càng ngạc nhiên, khó hiểu về thái độ thờ ơ của chính quyền địa phương gấp trăm ngàn lần. Bởi sự việc diễn ra công khai suốt thời gian dài mà địa phương không có thái độ quyết liệt, khiến mâu thuẫn ngày càng trở nên trầm trọng. Nếu cứ “vô cảm” như vậy thì khi xảy ra tranh chấp, có án mạng hay thương tích từ các bên, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính khi chính quyền địa phương đã biết, đã nắm rõ mà không xử lý đến nơi đến chốn?
Cưỡng chế, tháo dỡ ngay !
Về hướng xử lý của chính quyền địa phương mà ông Luyện đưa ra (chờ gia đình ông Hà khắc phục, trả lại hiện trạng; nếu không, sẽ cưỡng chế - PV), nhiều BĐ cho rằng cơ quan chức năng xã phải hành động ngay; không lẽ ông Hà “bất khả xâm phạm”. “Vậy hành động “tiếp tục xây tường bít lối đi” có rơi vào cái “nếu không” này không? Sao không cưỡng chế? Lại còn “trường hợp cụ Quế phải đi cấp cứu, hoặc các sự cố khác, xã đã có phương án, đề nghị gia đình liên hệ trực tiếp cho tôi 24/24, sẽ cử lực lượng xuống xử lý, kết hợp với gia đình giải quyết” (BĐ trích lời của ông Luyện - PV). Không lẽ đợi người ta cấp cứu mới phải giải quyết?”, BĐ V.T.R (TP.HCM) bức xúc.
Đồng quan điểm, BĐ Tiến Luân (Cần Thơ) viết: “Chờ? Đến nản! Đã sai không sửa, tiếp tục tự ý xây tường thì cứ theo luật cưỡng chế chứ chờ đến bao giờ? Bắt dân trèo thang rồi lỡ té, ai chịu trách nhiệm... Chuyện thật như đùa!”. “Một sự việc “nhỏ như con thỏ” mà vẫn để báo chí nêu! Hãy ra tay bảo vệ công lý lẽ phải trong địa bàn mình quản lý. Vẫn còn chưa muộn!”, BĐ Bùi Trọng Thái (Hà Tĩnh) nhắn nhủ.
- Có sai phạm thì phải phạt nặng người sai phạm, trả lại lối đi chung để con cái người ta có lối vào chăm sóc mẹ già. Nhìn mà xót xa!
Nguyễn Thị Yến (Lâm Đồng)
- Đã lập biên bản cấm xây rồi mà còn cứng đầu tiếp tục xây thì cưỡng chế đi chứ còn “động viên thuyết phục gì nữa?”
Khánh Hoàng (Long An)
|
Bình luận (0)