'Xin thôi đốt!'

Lê Lâm
Lê Lâm
18/03/2021 05:00 GMT+7

Nhiều người dân bày tỏ mong mỏi phía sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai) tìm cách xử lý khác. Đừng đốt cỏ vì ô nhiễm không khí; đồng thời còn áo quần, vật dụng... của dân sống gần đó bị tàn tro bám đầy.

Khi thấy cột khói khổng lồ bốc lên từ hướng sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai), hôm 12.3, chúng tôi vội vã chạy xuống tác nghiệp vì tưởng rằng có đám cháy khủng khiếp ở hướng này. Nhưng đây chỉ là hoạt động đốt cỏ, dọn cỏ đường băng để đảm bảo an toàn công tác huấn luyện chiến đấu, bảo vệ tính mạng cho các phi công và những chiến đấu cơ có giá trị hàng triệu USD.
Không cần bàn cãi đến việc làm này, vì đây là cần thiết. Điều đáng nói là chọn cách đốt thủ công như vừa nêu gây không ít phản cảm cho người dân xung quanh.
Tiếp xúc với chúng tôi - những PV có mặt ở hiện trường - nhiều người dân bày tỏ mong mỏi: “Hãy nói phía sân bay tìm cách xử lý khác. Đừng đốt!”.
Theo lý giải của người dân sống gần khu vực sân bay quân sự Biên Hòa, khi đốt, khói đen nghi ngút bốc lên, tàn tro từ trên trời rơi xuống như cơn mưa, phủ khắp các căn nhà gần đó. Do diện tích lớn, lại đốt đồng loạt nên khói nghi ngút, từng cột khói cao bốc lên hợp thành một đám khói đen khổng lồ, mênh mông giữa bầu trời.
Lý giải vì sao chuyển qua đốt cỏ vào sáng sớm, lãnh đạo Trung đoàn 935 (đơn vị đóng quân tại sân bay quân sự Biên Hòa) cho biết “việc cắt cỏ là không xuể, diện tích lớn” và “việc đốt vào sáng sớm trời đứng gió, dễ khống chế ngọn lửa”.
Một lần nữa cần khẳng định, việc phát quang, dọn dẹp đường băng là điều cần kíp, nhưng dù vô tình đi chăng nữa thì việc đốt cỏ ở sân bay Biên Hòa đã làm ô nhiễm bầu không khí; đồng thời mang phiền toái đến nhiều người dân sống gần vì áo quần, vật dụng gia đình, nhà của họ bị tàn tro bám đầy… Nhiều ý kiến muốn gửi gắm rằng đã là thời đại 4.0 rồi, nên bỏ cách làm thủ công như trên; lựa chọn cách khác ít gây hại môi trường hơn. Nếu hiện tại đơn vị chưa có kinh phí để trang bị xe cắt cỏ chuyên dụng thì có thể lựa chọn hình thức thuê, vì mỗi năm chỉ dọn cỏ một lần. Hoặc xin ngân sách, cơ chế để vừa có thể dọn sạch đường băng mà vẫn không làm phiền toái đến người dân xung quanh, cũng như ô nhiễm môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.