Trong hoạt động xóa bỏ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, lấy lại không gian cho người đi bộ, 12 căn nhà của các hộ nằm liền kề trên đường Chu Mạnh Trinh (P.Bến Nghé) đã rơi vào tình trạng nền nhà cao hơn 1m so với vỉa hè, sau khi đập bỏ bậc tam cấp.
VIDEO: Bỏ bậc tam cấp lấn chiếm, nhiều người Sài Gòn leo tường vào nhà
Nhiều hộ dân chưa thiết kế được bậc tam cấp mới đã phải bắc thang gỗ, thang sắt, thậm chí để ghế gỗ chồng lên nhau lên xuống nhà.
“Phố đi bộ là bộ mặt của TP.HCM, những bậc tam cấp lấn chiếm này nhắc nhở 8 ngày rồi sao vẫn không làm, giải quyết ngay cho tôi, không chần chừ gì cả, cơ quan nhà nước thì phải tiên phong”, ông Đoàn Ngọc Hải
Theo ghi nhận của Thanh Niên, dọc tuyến phố tại khu vực đều chịu cảnh như nhau. Bỏ bậc tam cấp, khiến nhiều hộ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh… Trong đó, có không ít những người lớn tuổi phải ra vào nhà khó khăn, luôn thường trực nguy hiểm té ngã.
Chồng ghế lên nhau để làm bậc tam cấp đi vào nhà ẢNH: AN HUY
Chỉ tiền công đập bậc tam cấp hết 3 triệu đồng
Bà Dương Thị Ngọc Xiểm (66 tuổi, ngụ đường Chu Mạnh Trinh) cho biết, do làm y tá ở bệnh viện Nhi Đồng, nên sau 1975 bà được bệnh viện cấp cho một căn nhà ngay tại đây để sinh sống. Sau đó, gia đình bà có làm bậc tam cấp xuống đường Chu Mạnh Trinh để thuận tiện đi lại và buôn bán đã mấy chục năm qua. Đến nay, khi TP ra quân chấn chỉnh hè phố thì bậc tam cấp này mới bị phá bỏ.
“Thấy TP ra quân chấn chỉnh lòng lề đường, tôi và mấy hộ ở đây cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng vừa đập bậc tam cấp xong, không có đường đi vào nhà phải gác tạm miếng ván làm bậc thang đi lại thấy cũng khó khăn. Tôi mới nói thợ tới làm lại bậc tam cấp lùi vào trong, nhưng thợ nói công đập đã là 3 triệu đồng, không biết làm nguyên bậc tam cấp mới còn phải hết bao nhiêu tiền nữa”, bà Xiểm than thở.
Nhiều nhà dân trên đường Chu Mạnh Trinh có nền nhà cao hơn vỉa hè ẢNH: AN HUY
Cạnh đó, nhà của chị Trần Thu Hằng (51 tuổi, ngụ số 13 Chu Mạnh Trinh) cũng trong tình trạng tương tự. Gia đình chị chưa kịp làm thang từ vỉa hè lên nền nhà hơn 1m, phải lấy nhiều ghế gỗ để chồng lên nhau vào nhà, khá nhiều rủi ro. Đồng thời, phương tiện xe máy đi lại chính trong gia đình chị cũng phải đem đi gửi nơi khác qua đêm.
Còn anh Phan Văn Mùa (47 tuổi, ngụ trên đường Nguyễn Du, P.Bến Nghé) cho biết: “Sau khi phường đập bậc tam cấp, tôi phải cất công đi mua sắt và tự hàn một bậc thang hết hơn 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi khi dắt xe hay làm gì xong là tôi phải đem vào nhà cất, vì để bên ngoài sẽ bị lực lượng đô thị tuần tra thu. Thực tế tại đây đã có nhiều người vừa làm xong chưa sử dụng được bao lâu đã bị tịch thu, phải đi làm cái khác”.
Người dân phải bắc thang gỗ đi vào nhà tạm thời ẢNH: AN HUY
Theo ông Võ Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND P.Bến Nghé (Q.1), chủ trương của UBND thành phố cũng như của quận về chấn chỉnh lấn chiếm lòng lề đường thì phường cũng đã thông báo xuống người dân trên địa bàn phường.
Về tuyến Chu Mạnh Trinh, sau khi triển khai thông báo xử lý lấn chiếm vỉa hè thì đơn vị cũng nhận được thông báo về tình hình khó khăn chung của dân. Phường cũng có tổ chức buổi họp dân vào ngày 6.3 để lấy ý kiến.
Tại buổi họp, các hộ cũng có trình bày vướng mắc khó khăn khi thực hiện, do nhà có nền cao cần xem xét. Phường cũng giải thích, vận động đề nghị mọi người thực hiện chủ trương chung và thống nhất với các hộ giải pháp cụ thể là đưa bậc tam cấp vào trong nhà hoặc hạ nền nhà xuống.
Đồng thời, phường cũng đã tổ chức một buổi đi thực tế tìm hiểu dãy nhà có 12 căn tiếp giáp mặt tiền đường Chu Mạnh Trinh, nhận thấy đều nằm trong khuôn viên của bệnh viện, có 1 lối đi riêng ở phía sau. Những năm 1990, các hộ này đã làm bậc tam cấp xuống đường Chu Mạnh Trinh thành mặt tiền để thuận lợi buôn bán.
Trong 12 căn nhà trên, thì hiện có 10 căn vẫn còn cửa đi ra phía sau bình thường. Riêng 2 căn còn lại, phân chia mỗi căn ra làm hai nên không còn lối đi sau, phường cũng vận động hạ độ cao cốt nền xuống. Hộ nào không tháo dỡ được thì phường cũng thuê nhân công tháo dỡ giúp, các hộ dân đều đồng tình.
Nhiều nhà có nền nhà cao hơn mặt vỉa hè hơn 1m ẢNH: AN HUY
Đập bậc tam cấp khiến nhiều hộ buôn bán gặp một số khó khăn ẢNH: AN HUY
Theo ông Hưng, phường sẵn sàng tạo điều kiện và mọi thủ tục cho người dân sửa chữa nhà cửa. Thời gian trước mắt, các hộ dân chưa sửa nhà cửa và bậc tam cấp xong thì được đặt bậc thang di động. Khi đã xong mà có trường hợp nào vi phạm, phường sẽ nhắc nhở, nếu không chấp hành sẽ bị xử lý.
Chiều 21.3, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác xuống đường yêu cầu phá bỏ trụ sở khu phố ở phường Tân Định và các bậc tam cấp khách sạn 5 sao khu trung tâm.
“Vừa qua, đơn vị đã triển khai chấn chỉnh vỉa hè trên 44 tuyến đường của phường, hầu hết các hộ dân cũng đều tự giác thực hiện đầy đủ. Đồng thời, phường đã lập danh sách rà soát các hộ buôn bán trên lề đường, tạo điều kiện cho họ được học nghề miễn phí; miễn giảm học phí và các chế độ cho con em; đồng thời quận cũng chỉ đạo báo cáo TP sắp xếp kinh doanh mua bán tập trung để tạo điều kiện cho người dân buôn bán”, ông Hưng cho biết thêm.
Anh Phan Văn Mùa với bậc tam cấp tự làm, có giá vật liệu 1,6 triệu đồng ẢNH: AN HUY
Một vài hộ trên đường Chu Mạnh Trinh đã tự hạ thấp nền nhà để dễ đi lại ẢNH: AN HUY
Lên xuống nhà bằng những bục gỗ chồng lên nhau ẢNH: AN HUY
Đất được đổ ra lề đường trong quá trình hạ thấp cốt nền nhà ẢNH: AN HUY
Cuộc sống một số hộ trên đường Chu Mạnh Trinh bị đảo lộn khi bị tháo bậc tam cấp ẢNH: AN HUY
Bình luận (0)