Bộ Chính trị tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/06/2022 04:24 GMT+7

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng (2012 - 2022) sẽ diễn ra sáng 30.6 với sự tham gia của 81.000 đại biểu trên cả nước.

Giải pháp phòng chống tham nhũng giai đoạn mới

Sáng 28.6, thông tin về kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2012 - 2022, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho hay, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo hồi tháng 4.2022

TTXVN

T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT T.Ư đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Ông Học cho hay trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (1.2021) đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). “Đặc biệt thời gian gần đây đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...”, ông Học thông tin.

Liên quan công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư cho biết “có chuyển biến tích cực”. Cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tuy nhiên, ông Học thông tin, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông Học nhấn mạnh, vừa qua Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, song vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hai lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở T.Ư và địa phương.

Do vậy Bộ Chính trị quyết định tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN giai đoạn 2012 - 2022 vào ngày 30.6. “Hội nghị sẽ đánh giá thực chất kết quả PCTN đạt được trong 10 năm và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Từ đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về PCTN, tiêu cực thời gian tới”, ông Học nói.

Chỗ dựa vững chắc cho công cuộc chống tham nhũng

Cùng ngày, trao đổi với báo chí, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực (Ban chỉ đạo), cho rằng có được kết quả PCTN như thời gian qua là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban chỉ đạo, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Trạc cho rằng sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của Tổng bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực; sự kế thừa của cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, cũng là những nguyên nhân tạo nên kết quả trong công tác PCTN thời gian qua.

“Tôi xin nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của Tổng bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo. Sự gương mẫu, quyết liệt “nói đi đôi với làm” và “làm đi đôi với nói” của Tổng bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo, và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, là đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn và do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian vừa qua”, ông Trạc nói.

Trưởng ban Nội chính T.Ư cũng nhấn mạnh vai trò của nhân dân và cho rằng sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, tiêu cực. “Chúng ta phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp” như Bác Hồ đã từng dạy chúng ta”, ông Phan Đình Trạc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.