Bộ Công an ban hành công điện ứng phó bão Trà Mi

Trần Cường
Trần Cường
25/10/2024 20:11 GMT+7

Trong công điện mới ban hành, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu lực lượng phải sẵn sàng, chủ động để ứng phó với bão Trà Mi, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Ngày 25.10, Bộ Công an ra Công điện số 18 gửi thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc bộ và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, về việc chủ động ứng phó với bão Trà Mi.

Bộ Công an ban hành công điện ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 1.

Bản đồ dự báo đường đi bão Trà Mi

ẢNH: NCHMF

Nội dung công điện nêu, ngày 24.10, bão Trà Mi đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào khu vực bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trong năm nay. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15, di chuyển theo hướng tây về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó có thể ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi và ven bờ các tỉnh khu vực Trung bộ (từ Hà Tĩnh đến Bình Định) trong khoảng từ ngày 27 - 29.10.

Bão Trà Mi (bão số 6) dự báo hướng đi 'dị thường' xuống phía Nam

Đây là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi do tác động của nhiều hình thế thời tiết trên biển.

Do đó, để triển khai hiệu quả Công điện số 110 ngày 24.10 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó bão Trà Mi, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến của bão để chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; không để tội phạm lợi dụng bão, mưa lũ hoạt động phạm tội tại các khu vực sơ tán dân cư đi, đến...

Cạnh đó, các đơn vị, địa phương phải bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn kịp thời, bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhất là tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão...

Đối với khu vực ven biển, đảo và trên đất liền, các đơn vị cần phối hợp sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, những nơi có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển; bảo đảm an toàn các hoạt động của người, phương tiện, tài sản trên các đảo, ven biển và trên đất liền. Đồng thời, lực lượng công an cơ sở chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức thông báo, hướng dẫn, kêu gọi, vận động các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động ứng phó, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội tại khu neo đậu.

Đối với khu vực miền núi, các đơn vị cần bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát chặt người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông khi không bảo đảm an toàn.

Phối hợp sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, vùng hạ du...

Cũng tại công điện, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu lực lượng công an tổ chức phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, cứu nạn, cứu hộ nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.