Bộ Công an đang xây dựng dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Một trong những chính sách quan trọng được bộ này đề xuất là thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.
Giám sát còn nhiều hạn chế
Theo Bộ Công an, lực lượng công an trên toàn quốc đang quản lý 69.523 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Nhóm này gồm những người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, được tha tù trước thời hạn có điều kiện…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đang phát sinh nhiều bất cập. Điển hình là tình trạng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng không chấp hành yêu cầu quản lý của cơ quan, người có thẩm quyền ngày càng cao; số người tự ý bỏ đi khỏi nơi cư trú, không báo cáo, xin phép (nhưng công an cấp xã không nắm được); bỏ trốn, bị truy nã và có hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật ngày càng tăng…
Bộ Công an cho biết, một số nơi xảy ra tình trạng người chấp hành án tại cộng đồng bỏ trốn khỏi nơi cư trú, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự ở địa phương khác nhưng chính quyền địa phương được giao giám sát, giáo dục không biết, không nắm được tình hình.
Thực tế trên dẫn đến người chấp hành án tại cộng đồng không được giám sát, giáo dục, dễ trở lại phạm tội; làm giảm tính nghiêm minh, răn đe, giáo dục của bản án; làm phức tạp hơn tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Cạnh đó, do e ngại, lo sợ công tác quản lý, giám sát người chấp hành án tại cộng đồng, nhiều thẩm phán có tâm lý hạn chế áp dụng các hình phạt tại cộng đồng, các hành vi phạm tội ít nghiêm trọng không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì lại được áp dụng hình phạt tù.
Điều này gây ra áp lực rất lớn lên các trại giam. Với số lượng phạm nhân lớn, cơ sở vật chất của trại chưa được đầu tư đúng mức, nên chưa bảo đảm được điều kiện đối với phạm nhân theo quy định.
Tổng kinh phí ban đầu hơn 656 tỉ đồng
Để khắc phục hạn chế, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng, gồm các nội dung: đối tượng áp dụng, trình tự, thủ tục, điều kiện, phương thức áp dụng, hình thức thực hiện, cơ quan có thẩm quyền quyết định giám sát điện tử…
Cùng với đó là quy định về vị trí pháp lý của Trung tâm Giám sát điện tử, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong việc giám sát điện tử, máy chủ trung tâm, đường truyền kết nối, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Bộ Công an cho biết, nhiều quốc gia đã áp dụng giám sát điện tử người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng, như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…
Việc giám sát điện tử sẽ giúp công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng thay đổi một cách cơ bản; giúp chính quyền địa phương quản lý tốt hơn những đối tượng này, nhất là những người có nhân thân phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tái phạm.
Chính sách trên còn góp phần phòng ngừa các đối tượng bỏ trốn hoặc tái phạm; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Về mặt tác động tiêu cực, nếu thực hiện như đề xuất, ngân sách sẽ phải chi trả các khoản kinh phí gồm: chi phí ban đầu khi mua thiết bị giám sát điện tử, chi phí xây dựng Trung tâm Giám sát điện tử, chi phí duy trì hoạt động của các thiết bị có liên quan.
Trong đó, dự kiến tổng kinh phí ban đầu là hơn 656 tỉ đồng, tổng kinh phí duy trì hàng năm là hơn 95 tỉ đồng.
Ngoài ra, đề xuất cũng làm phát sinh chi phí sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, với tổng chi phí dự kiến hơn 3 tỉ đồng. Đồng thời, chi phí để tổ chức triển khai thi hành trên thực tế khoảng 2 tỉ đồng.
Bình luận (0)