Bộ Công an đang xây dựng dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Cơ quan này đề xuất nhiều chính sách mới nhằm hoàn thiện các quy định còn vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực thi hành án hình sự.
Một trong những chính sách nổi bật là bổ sung quy định về việc khi tiếp nhận người chấp hành án phạt tù cần thu thập thông tin sinh trắc học của phạm nhân (trường hợp chưa có thông tin).
Theo Bộ Công an, hoạt động thu thập sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Đối với khuôn mặt, vân tay, mống mắt và giọng nói, Bộ Công an đã và đang triển khai đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư. Do đó, việc bổ sung quy định này chỉ tổ chức thực hiện, không mất kinh phí đầu tư cơ sở vật chất.
Riêng hoạt động thu thập sinh trắc học ADN sẽ cần chi phí vật tư tiêu hao (mẫu thử) để thực hiện, dự kiến khoảng 1 triệu đồng/mẫu. Với số lượng phạm nhân đang bị giam giữ hiện nay khoảng 190.000 người, chi phí dự kiến để thu thập ADN là khoảng 190 tỉ đồng.
Bộ Công an tính toán, việc thực hiện thu thập thông tin sinh trắc học dự kiến quy định ngay từ giai đoạn tạm giữ, tạm giam. Các năm tiếp theo, việc thu thập thông tin sinh trắc học đối với phạm nhân (sau khi thu thập đối với 190.000 phạm nhân hiện có) sẽ không phát sinh nhiều kinh phí, vì đã thu thập trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.
Cũng tại hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, Bộ Công an còn đề xuất bổ sung quy định về phạm nhân được tham gia bảo hiểm y tế do Nhà nước đóng.
Bộ Công an dẫn quy định tại luật Bảo hiểm y tế, cho thấy mức đóng hằng tháng đối với đối tượng thuộc diện do Nhà nước đóng khoảng 6% mức lương cơ sở (2,43 triệu đồng x 6% = 145.800 đồng, 1 năm tham gia bảo hiểm y tế là hơn 1,749 triệu đồng).
Với số lượng khoảng 190.000 người, dự kiến kinh phí Nhà nước chi trả cho phạm nhân tham gia bảo hiểm y tế là hơn 332 tỉ đồng.
Trong các năm tiếp theo, việc bổ sung chi phí tham gia bảo hiểm y tế sẽ căn cứ theo số lượng phạm nhân mới tiếp nhận và thời gian chấp hành án của phạm nhân (thời hạn chấp hành án còn trên 1 năm).
Riêng với phạm nhân có thời hạn chấp hành án không đủ 1 năm, Bộ Công an đề xuất không mua bảo hiểm y tế đối với nhóm này.
Phạm nhân được quyền hiến mô?
Vẫn theo hồ sơ đề nghị xây dựng luật, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về việc phạm nhân được quyền hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người. Điều này góp phần đảm bảo quyền con người, thể hiện được tính nhân văn trong xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội.
Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định mới trong giải quyết trường hợp làm việc ngoài nơi cư trú đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế.
Chính sách này sẽ tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập để từng bước xây dựng cuộc sống ổn định đối với nhóm người này, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác cảm hóa, giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động; tạo điều kiện cho phạm nhân lao động thường xuyên, trong môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến sát với yêu cầu thị trường lao động, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù, ổn định cuộc sống, hạn chế vi phạm pháp luật và tái phạm tội…
Bình luận (0)