Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật này được tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Đề xuất rút ngắn thời gian lái xe liên tục
Theo quy định hiện hành tại luật Giao thông đường bộ năm 2008, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong 1 ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Tại dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định tổng thời gian lái xe trong 1 ngày của tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ là không quá 8 giờ.
Bộ Công an đề xuất xe tải, xe khách không chạy đêm quá 3 giờ liên tục
Trong đó, từ 6 giờ đến 22 giờ, thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ, thời gian dừng nghỉ giữa 2 lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với lái xe taxi, xe buýt và 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải khác.
Từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ, thời gian dừng nghỉ giữa 2 lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải.
Giải thích về đề xuất trên, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT Bộ Công an), cho biết có tới 60% các vụ tai nạn giao thông thảm khốc (chết từ 3 người trở lên) xảy ra vào khoảng thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.
Ban đêm là thời điểm thay đổi chu kỳ sinh học của con người, việc lái xe vào khoảng thời gian này rất dễ xuất hiện sự mệt mỏi, buồn ngủ. Thêm vào đó, tầm quan sát bị hạn chế, nguy cơ dẫn tới tại nạn rất cao.
Từ thực tiễn đã nêu, đại tá Nhật cho rằng cần có quy định về thời gian dừng nghỉ đối với lái xe, nhất là lái xe kinh doanh vận tải, để bảo đảm an toàn giao thông.
Chỉ được lái xe 8 giờ mỗi ngày là quá ngắn?
Cả nước hiện có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, với khoảng 900.000 phương tiện; trong đó hơn 308.700 xe khách và 566.800 xe tải các loại; số lượng tài xế kinh doanh vận tải trên 1 triệu người.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng quy định hiện nay như luật Giao thông đường bộ năm 2008 (thời gian lái xe không quá 10 giờ) là phù hợp, nếu rút xuống 8 giờ thì "ngắn quá".
Xem nhanh 12h ngày 30.9: Bộ Công an đề xuất xe tải, xe khách không chạy đêm quá 3 giờ liên tục
Đề xuất của Bộ Công an sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; rõ nhất, đầu tiên nhất là chi phí hoạt động.
"Hiện nay, với 1 chuyến hàng chuyển từ phía nam ra tỉnh Lạng Sơn để đưa đi xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ cần bố trí 2 tài xế. Nếu theo đề xuất, doanh nghiệp có thể phải bố trí 3 tài xế để đảm bảo thời gian giao hàng", ông Quyền lấy ví dụ.
Như vậy, chi phí vận tải sẽ tăng lên rất nhiều, kéo theo chi phí sản xuất tăng, đồng thời giảm sức cạnh tranh. Chưa kể, nếu tăng từ 2 lên 3 tài xế thì điều kiện sinh hoạt bên trong cabin cũng hạn chế hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói đa số các nước trên thế giới quy định thời gian làm việc của lái xe từ 10 - 13 giờ mỗi ngày. Điều kiện đường sá ngày càng cải thiện, phương tiện vận tải cũng hiện đại hơn, công việc của lái xe vì vậy mà nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thường làm thủ tục giao nhận hàng vào ban ngày, ban đêm mới chạy xe vì đường vắng, vừa giảm tiêu thụ nhiên liệu, vừa giảm nguy cơ tai nạn.
Nếu thay đổi như đề xuất, một lượng đáng kể xe chạy ban đêm (tối đa 3 giờ liên tục) sẽ chuyển sang chạy ban ngày (tối đa 4 giờ liên tục), từ đó gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ tai nạn.
Với những phân tích đã nêu, ông Quyền kiến nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ tác động của chính sách, cân nhắc mặt được, mặt hạn chế.
"Đề xuất có thể giúp giảm tai nạn giao thông nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hàng nghìn doanh nghiệp đang ổn định bấy lâu nay", ông Quyền nói.
Lo ngại không có chỗ dừng nghỉ
Một số ý kiến băn khoăn về quy định dừng nghỉ theo đề xuất của Bộ Công an. Bởi lẽ, điều kiện đường sá hiện nay còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc khiến thời gian lái xe kéo dài.
Cùng với đó, nhiều tuyến đường cấm dừng đỗ, thậm chí cao tốc nhưng lại không có trạm dừng nghỉ, tài xế muốn dừng cũng không thể dừng…
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2023 (hiệu lực thi hành từ tháng 7) để giải quyết vấn đề trên.
Theo đó, trạm dừng nghỉ phải được xác định khi lập dự án và được triển khai trong dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc hoặc sau khi đường cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng.
Bình luận (0)