Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để không bị tử hình

10/07/2023 12:10 GMT+7

Theo Bộ Công an, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đã bỏ trốn đến các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, hòng nếu có bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo hồ sơ xây dựng luật Dẫn độ. Theo đề xuất của bộ này, luật Dẫn độ được tách ra, trên cơ sở từ luật Tương trợ tư pháp.

Bộ Công an cho biết, sau hơn 14 năm thi hành, luật Tương trợ tư pháp dần bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ. Vì thế, việc xây dựng một đạo luật riêng về lĩnh vực này là cần thiết.

Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để không bị tử hình - Ảnh 1.

Bộ Công an tổ chức thi hành dẫn độ đối tượng bị truy nã quốc tế cho Cộng hòa Bulgaria

BỘ CÔNG AN

Bỏ trốn với hy vọng không bị tử hình

Cơ quan soạn thảo lấy ví dụ, pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình. Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Nếu không có cam kết, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.

Thực tế hiện nay, một số quốc gia, đặc biệt là châu Âu, không quy định hình phạt tử hình, do đó khi tiến hành xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.

Bộ Công an cho rằng, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, nhưng lại chưa được quy định trong luật Tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, đã bỏ trốn đến các quốc gia này và hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.

Vì vậy, nếu chính thức luật hóa quy định về việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ thì phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lãnh án 30 năm tù dù đang bỏ trốn

Bộ Công an đề xuất khi xây dựng luật Dẫn độ sẽ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ, trường hợp, cơ quan, người có thẩm quyền và hình thức đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ và chuyển thành hình phạt tù chung thân nhưng không được giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp Việt Nam là quốc gia yêu cầu.

Tương tự với đó là căn cứ, trường hợp, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nước ngoài đưa ra cam kết không áp dụng hoặc áp dụng nhưng không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ trong trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu.

"Quy trình đưa ra cam kết phải được quy định rất chặt chẽ và việc cam kết chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết", Bộ Công an nhấn mạnh.

Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để không bị tử hình - Ảnh 2.

Từ trái qua là 3 đối tượng truy nã: Vũ Đình Duy (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí), Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế)

Xem nhanh 12h ngày 11.7: Bản tin thời sự toàn cảnh

Nguyên tắc có đi có lại

Vẫn theo Bộ Công an, một bất cập khác đang diễn ra, luật Tương trợ tư pháp quy định dẫn độ được thực hiện trên cơ sở Điều ước quốc tế, trường hợp không có Điều ước quốc tế thì áp dụng nguyên tắc có đi có lại và Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác về dẫn độ với các nước.

Nhưng thực tế, quy định như trên còn mang tính hình thức, Bộ Ngoại giao chưa chủ trì xem xét bất kỳ yêu cầu dẫn độ nào. Thêm vào đó, luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trình tự, thủ tục áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác dẫn độ với các nước; việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác dẫn độ chưa hiệu quả như mong muốn.

Bộ Công an cho hay, khi Việt Nam là quốc gia được yêu cầu, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại chỉ Bộ Công an mới có thể nắm được toàn bộ nội dung quan hệ hợp tác về dẫn độ giữa Việt Nam và quốc gia yêu cầu vì đây là cơ quan theo dõi, lưu trữ toàn bộ hồ sơ về công tác này.

Tương tự, khi Việt Nam là quốc gia yêu cầu, cam kết về nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao cũng hoàn toàn không tham gia vào quá trình giải quyết các yêu cầu dẫn độ.

Từ những căn cứ đã nêu, Bộ Công an đề xuất, trường hợp giữa Việt Nam và quốc gia có liên quan không có Điều ước quốc tế về dẫn độ, nếu Việt Nam là quốc gia được yêu cầu thì việc dẫn độ chỉ được xem xét, giải quyết khi quốc gia yêu cầu có văn bản cam kết, thỏa thuận về việc sẽ giải quyết các yêu cầu dẫn độ tương tự của Việt Nam.

Nếu Việt Nam là quốc gia yêu cầu, Bộ Công an sẽ là cơ quan chủ trì quyết định việc cam kết áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong giải quyết các yêu cầu dẫn độ tương tự của quốc gia được yêu cầu.

Các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về quan hệ hợp tác nói chung và trong tương trợ tư pháp nói riêng giữa Việt Nam và quốc gia liên quan. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm lập công hàm về việc gửi yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại, trong đó nêu nội dung cam kết về việc áp dụng nguyên tắc này.

Xem nhanh 12h ngày 10.7: Bản tin thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.