Bộ Công an: Vụ 'chuyến bay giải cứu' sẽ có giai đoạn 2

06/04/2023 21:18 GMT+7

Ngoài 54 bị can vừa bị đề nghị truy tố, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra dấu hiệu sai phạm tại một số bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đến "chuyến bay giải cứu" ở giai đoạn sau.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến việc trục lợi từ các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân Việt Nam về nước trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát dữ dội.

Đáng chú ý, ngoài nội dung đã làm rõ trong kết luận lần này, cơ quan điều tra cho biết sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm ở giai đoạn tiếp theo của vụ án.

Bộ Công an: Vụ 'chuyến bay giải cứu' sẽ có giai đoạn 2 - Ảnh 1.

Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra dấu hiệu sai phạm tại một số bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đến "chuyến bay giải cứu" ở giai đoạn 2

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Số tiền đưa, nhận hối lộ chưa dừng lại?

Trong số 54 bị can, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 21 người về tội nhận hối lộ, 22 người về tội đưa hối lộ, 4 người về tội môi giới hối lộ, 4 người về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 3 người về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ ông Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh) và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh), để ký các văn bản chấp thuận cho công dân trên chuyến bay của doanh nghiệp này được cách ly trên địa bàn tỉnh sau khi về nước.

Đáng chú ý, ngoài ông Tân, một số cá nhân khác tại tỉnh Quảng Nam cũng có hành vi nhận tiền của bị can Hằng. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.

Đường đi của hơn 170 tỉ hối lộ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Hay như bị can Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 3,6 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 1,3 tỉ đồng, để tham mưu, đề xuất cấp trên ký tờ trình về việc đồng ý cho một số doanh nghiệp tổ chức chuyến bay.

Ngoài số tiền đã được làm rõ, bị can Thân còn chủ động khai báo nhận tiền của đại diện một số doanh nghiệp khác. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau.

Tương tự, bị can Bùi Huy Hoàng (cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế) bị cáo buộc làm trung gian, nhận 3,3 tỉ đồng từ doanh nghiệp, sau đó chi 2,6 tỉ đồng cho các cá nhân tại tổ công tác 5 bộ và địa phương để xin tổ chức chuyến bay và được chấp thuận cách ly tại Hải Dương.

Kết quả điều tra xác định bị can Hoàng hưởng lợi hơn 670 triệu đồng. Ngoài những người đã được làm rõ vì nhận tiền từ ông Hoàng, bị can này còn khai đưa hơn 650 triệu đồng cho một cán bộ thuộc UBND tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, đến nay chưa đủ căn cứ xác định hành vi nhận tiền của vị cán bộ nên cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và xử lý ở giai đoạn sau.

Bộ Công an: Vụ 'chuyến bay giải cứu' sẽ có giai đoạn 2 - Ảnh 2.

4 bị can từ trái qua: Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Chử Xuân Dũng và Trần Văn Tân

BỘ CÔNG AN

Xem nhanh 20h ngày 7.4: 5 năm sau thảm kịch Carina | Thông tin vụ rơi trực thăng Bell 505

Cả đại sứ quán đều nhận tiền bồi dưỡng?

Từ tháng 5.2021 đến tháng 1.2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức 8 "chuyến bay giải cứu", đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù ở nước sở tại về Việt Nam, cách ly tập trung.

Để tổ chức các chuyến bay, ông Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) chỉ đạo cán bộ đại sứ quán khảo sát, xây dựng kế hoạch, phương án, đề xuất mức thu phí. Sau khi thống nhất, nhóm cán bộ quyết định thu mỗi người mãn hạn tù từ 20,3 - 35 triệu đồng/người. Tổng số tiền thu được là 44,6 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định thu phí như trên có sai phạm, điển hình như việc thu tiền lệ phí cấp hộ chiếu với mức 4,6 triệu đồng/quyển nhưng lại viết phiếu thu và nộp ngân sách 1,6 triệu đồng/quyển. Ngoài ra, việc thu tiền được thực hiện thông qua tài khoản cá nhân thay vì tài khoản của đại sứ quán và quỹ bảo hộ công dân, không công khai các khoản thu, chi với công dân…

Sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến tổ chức chuyến bay, số tiền chênh lệch còn lại là 11,6 tỉ đồng. Các cán bộ đại sứ quán dùng một phần trong số này để chia nhau, trong đó cá nhân ông Thái được hưởng 580 triệu đồng.

Với sai phạm như đã nêu, ông Thái cùng 3 cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cùng bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đặc biệt, theo lời khai của các bị can, những cán bộ còn lại của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia đều được nhận tiền bồi dưỡng. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau.

Xem nhanh 20h ngày 6.4: Những phút cuối trên chiếc trực thăng rơi | Tạm giam Nguyễn Phương Hằng thêm 19 ngày

Cùng với các bị can đã nêu ở trên, hàng loạt giám đốc các doanh nghiệp (bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ) cũng khai chi tiền cho nhiều cá nhân khác, ngoài những quan chức, cán bộ đã được đề cập trong kết luận điều tra.

Trong số này, có ông Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh) và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh).

Chỉ tính riêng trong phạm vi vụ án ở giai đoạn 1, ông Sơn và bà Hằng đã chi tới hơn 100 tỉ đồng để hối lộ quan chức tại nhiều bộ, ngành để được cấp phép 109 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước và "chạy án" nhưng bất thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.