Công dân về nước trên các 'chuyến bay giải cứu' có được bồi thường?

06/04/2023 17:09 GMT+7

Để có tiền chi hối lộ hàng trăm tỉ đồng cho quan chức, các doanh nghiệp nâng giá vé máy bay và các loại chi phí phát sinh. Vậy, công dân về nước trên các "chuyến bay giải cứu" có quyền yêu cầu bồi thường hay không?

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đề nghị truy tố 54 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đường đi của hơn 170 tỉ hối lộ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Kết luận điều tra cho thấy, 21 quan chức, cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương đã lợi dụng thẩm quyền trong việc tổ chức chuyến bay để nhận hối lộ hơn 170 tỉ đồng từ các doanh nghiệp. Do chi tiền "bôi trơn", các doanh nghiệp này được ưu ái đưa vào danh sách phê duyệt và triển khai hàng trăm chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia khác về nước.

Đặc biệt, để có nguồn tiền chi hối lộ cực lớn mà vẫn đảm bảo lợi nhuận, các doanh nghiệp tìm cách tăng giá vé máy bay và chi phí phát sinh, khiến số tiền công dân phải bỏ ra cho mỗi suất bay về nước đội lên rất nhiều.

Công dân về nước trên các 'chuyến bay giải cứu' có được bồi thường? - Ảnh 1.

Theo cơ quan điều tra, để có tiền chi hối lộ, các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước đã tăng giá vé và chi phí phát sinh

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Một câu hỏi được đặt ra: đến nay đã xác định rõ hành vi đưa và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp và quan chức, vậy những người phải mua vé giá cao có quyền được yêu cầu bồi thường?

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, phần lớn các bị can trong vụ "chuyến bay giải cứu" bị truy cứu về nhóm hành vi đưa, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn. Những tội danh này không liên quan đến khách hàng trong các "chuyến bay giải cứu".

Vì thế, khách hàng nào cho rằng bản thân bị thiệt hại từ việc mua vé với giá cao hoặc chi phí bất hợp lý cần có đơn trình báo, tố giác, làm cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Việc xác minh sẽ tập trung làm rõ giá trị thực của vé là bao nhiêu, khi mua là mức nào, tăng nhiều hay ít..., có dấu hiệu vi phạm pháp luật thu lợi bất chính trong thời điểm dịch bệnh hay không?

Một điểm cần lưu ý, đó là xác định giao dịch diễn ra ở đâu. Nếu việc mua bán bởi các đại lý trong nước, thẩm quyền xác minh sẽ do cơ quan chức năng của Việt Nam; nếu bởi đại lý ở nước ngoài và diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền lại khác.

Công dân về nước trên các 'chuyến bay giải cứu' có được bồi thường? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, công dân về nước trên các "chuyến bay giải cứu" có thể làm đơn trình báo nếu cho rằng mình bị thiệt hại

TTXVN

Vụ án xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, số lượng công dân về nước trên các "chuyến bay giải cứu" là rất lớn, hàng trăm nghìn người. Việc đòi bồi thường liệu có khả thi?

Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), kết luận điều tra đã xác định các công dân về nước không có hành vi đưa hối lộ.

Về bản chất, mối quan hệ giữa công dân về nước với các doanh nghiệp và đơn vị dịch vụ là quan hệ dân sự, hai bên thực hiện trên tinh thần thỏa thuận và tự nguyện. Hơn thế, giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định khung cứng. 

Do đó, không thể xác định các công dân này là đương sự trong vụ án hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 4 bộ luật Tố tụng Hình sự, cũng như rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, ở vụ án này, nếu xác định mối quan hệ giữa hai bên chỉ đơn thuần là giao dịch dân sự thì chưa thực sự hợp lý. Ông cho rằng có sự câu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và quan chức, thông qua việc tăng giá vé để chi hối lộ, thu lợi bất chính. Hành vi này có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, gây khó khăn cho người dân để nâng giá vé suất về nước, thu lợi bất chính.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia pháp lý cũng nhận định quan hệ dân sự chỉ xem xét trong bối cảnh bình thường, nghĩa là có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nhưng với trường hợp "chuyến bay giải cứu", tình hình khi ấy khiến người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dịch vụ hàng không để về nước. Điều này cho thấy người dân đã bị ép mua vé giá cao trong tình cảnh dịch bệnh bùng phát, nguy cơ tính mạng, sức khỏe bị ảnh hưởng rất lớn.

Xem nhanh 12h ngày 6.4: Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vụ rơi trực thăng | Khởi tố vụ án ô tô tông 17 xe máy

Kiến nghị từ Cơ quan ANĐT Bộ Công an

Trong bản kết luận điều tra, ngoài việc đề nghị truy tố các bị can, Cơ quan ANĐT Bộ Công an kiến nghị khi Đảng và Nhà nước cho chủ trương và giao Chính phủ thực hiện, Chính phủ cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh chồng chéo giữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể; quá trình dự thảo văn bản cần có sự trao đổi, thống nhất trong việc phân công nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong vụ án này, vấn đề chi phí bỏ ra với các doanh nghiệp của mỗi người dân đã không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp tự ý đặt ra giá cao để thu lợi nhuận và có nhiều lần đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép chuyến bay.

Vì vậy, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo khắc phục trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tương tự sau này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.