Dự thảo nghị định quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân này nhằm triển khai thi hành luật Điện lực sẽ có hiệu lực từ 1.2.2025.
Bộ Công thương cho biết, dự thảo mới xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến công bố, công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện. Theo đó, EVN có trách nhiệm báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện, thuê đơn vị kiểm toán độc lập và công bố công khai chi phí, giá bán điện bình quân, thay vì Bộ Công thương sẽ công bố nội dung này như hiện nay.
Các chi phí được EVN công bố công khai gồm chi phí phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành và các khoản chi phí khác.
Theo Quyết định 05/2024, thời gian điều chỉnh giá điện là 3 tháng một lần. Việc xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lần này nhằm thay thế Quyết định số 05/2024.
Theo đó, giá điện có thể được xét thay đổi 2 tháng một lần, thay vì 3 tháng như hiện nay, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên. Tức là, mỗi năm có thể sẽ có 6 đợt thay đổi giá bán lẻ điện bình quân, thay vì 4 lần/năm như hiện nay.
Cùng với đó, giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá sẽ giảm tương ứng. Với giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, dự thảo đưa ra quy định sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 2% trở lên. Mức này cũng thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.
Bộ Công thương nhận định, quy định mới nhằm phản ánh kịp thời biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ để bảo toàn, phát triển vốn và tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm. Việc điều chỉnh giá điện đảm bảo EVN có lãi, xác định lợi nhuận định mức hằng năm.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định cơ sở xác định lợi nhuận định mức năm của các khâu phân phối - bán lẻ điện; điều hành - quản lý ngành; nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc khác trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh. Việc bổ sung này nhằm đảm bảo lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và cơ sở thực hiện.
Vào Tháng 10.2024, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, ở mức 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT); năm 2023, giá điện được điều chỉnh hai lần, lần lượt tăng 3% vào tháng 5 và 4,5% vào tháng 11.
Bình luận (0)