Trong 2015, địa phương tích cực thực hiện tinh giản biên chế (TGBC) nhất là tỉnh Quảng Ngãi với 505 người. Bộ Công thương đứng đầu danh sách các bộ ngành với 199 người, trong khi Bộ Tài chính là 2 người.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Tr.Sơn
|
Đây là thông tin được ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết tại Hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về TGBC do Bộ Nội vụ tổ chức hôm nay 12.1, tại Hà Nội.
Ông Toản cho biết hiện nay đa số các bộ, ngành đã triển khai thực hiện TGBC theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng kế hoạch TGBC. Có một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện TGBC năm 2015.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, tính đến 31.12.2015, đã có 25 lượt bộ, ngành và 64 lượt địa phương (có địa phương thực hiện 2 đợt) thực hiện TGBC năm 2015, 2016 với tổng số đối tượng giải quyết TGBC là 9.129 người. Trong đó khối Đảng, đoàn thể là 303 người; khối hành chính 1.084 người; khối sự nghiệp 5.695 người; khối cán bộ, công chức cấp xã 1.868 người; khối doanh nghiệp nhà nước 39 người.
Cụ thể, trong năm 2015 đã có 15 bộ, ngành và 39 địa phương thực hiện TGBC với số đối tượng giải quyết TGBC là 5.318 người. Trong đó đa số là người hưởng chính sách về hưu trước tuổi; 827 người hưởng chính sách thôi việc ngay... Với 6 tháng đầu năm 2016, đại diện Bộ Nội vụ cho biết đã có 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết TGBC với số đối tượng giải quyết TGBC là 3.748 người, trong đó 479 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 2 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 3 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trong 2015, tỉnh tích cực thực hiện TGBC nhất là Quảng Ngãi với 505 người. Về bộ ngành, Bộ Công thương đứng đầu danh sách TGBC với 199 người, trong khi đó Bộ Tài chính chỉ TGBC 2 người.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ngành địa phương đã nêu ra một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện TGBC như việc phải đảm bảo tỷ lệ giáo viên, cán bộ y tế ở các địa phương… Việc TGBC đi kèm đó là sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp ở nhiều địa phương cũng vấp phải sự phản đối của các cơ quan ngành dọc như y tế, giáo dục. Có ý kiến đề nghị mở rộng diện TGBC cho những đối tượng tuy không nằm trong diện TGBC nhưng có đơn xin tình nguyện...
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc thực hiện TGBC nếu không thống nhất về nhận thức hoặc công tác chính trị, tư tưởng sẽ dễ gây mất đoàn kết trong đơn vị. Do vậy, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng.
Cũng theo ông Tuấn, việc TGBC không chỉ là việc đưa một số lượng người ra khỏi biên chế mà phải đồng bộ với các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao chất lượng khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công, cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…
Đối tượng nào không nằm trong diện TGBC? Theo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành địa phương không thực hiện giải quyết TGBC đối với công chức, viên chức trong các trường hợp sau: 1. Trường hợp công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp được đánh giá phân loại không hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện giải quyết chế độ, chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. 2. Trường hợp công chức, viên chức có trình độ chuyên môn đào tạo phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền về tiêu chuẩn trình độ đào tạo đối với vị trí, việc làm hiện đang đảm nhiệm, nhưng đưa vào diện tinh giản do chưa đạt trình độ chuẩn. 3. Trường hợp công chức, viên chức đang công tác tại các tổ chức đang hoạt động bình thường, nhưng đưa vào diện tin giản dôi dư do sắp xếp tổ chức. 4. Trường hợp công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. 5. Trường hợp công chức viên chức có trình độ chuyên môn đào tạo cao hơn quy định cơ quan có thẩm quyền về tiêu chuẩn trình độ đối với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm, đưa vào diện tinh giản dôi dư do cơ cấu lại công chức, viên chức. 6. Trường hợp công chức viên chức có lý do nghỉ ốm nhưng chưa đáp ứng được quy định có số ngày nghỉ tối thiếu bằng số ngày nghỉ tối đa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội. |
Bình luận (0)