Một số sản phẩm đường mía bị tham vấn lần này có mã số vụ việc AD13-AS01. Theo Bộ Công thương, căn cứ Điều 70 luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, cơ quan điều tra sẽ tổ chức buổi tham vấn công khai trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Thời gian cụ thể từ 9-12 giờ ngày 12.5.2021 (theo giờ Hà Nội), tại 25 Ngô Quyền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời gian đăng ký tham dự buổi tham vấn trước 17 giờ ngày 5.5 tới.
Thông báo của Bộ yêu cầu: Tiếng nói và chữ viết dùng trong buổi tham vấn là tiếng Việt. Các bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết khác, tuy nhiên phải có phiên dịch từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt. Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do các Bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt, phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.
Trước đó, ngày 9.2, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với đường thô xuất xứ Thái Lan với mức thuế 33,88%. Kết quả điều tra của Bộ Công thương cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá giá, trợ cấp tạm tính đối với mặt hàng này là 48,88%. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế xã hội theo quy định của luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước, người tiêu dùng cũng như các tính toán khác, Bộ Công thương quyết định mức thuế tạm thu là 33,88%.
Ngày 21.9.2020, Bộ Công thương đã khởi xướng cuộc điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá này theo yêu cầu của các đại diện ngành sản xuất trong nước. Kết quả cho thấy, trong năm 2020, lượng đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan vào Việt Nam tăng hơn 330% so với năm ngoái, đạt 1,3 triệu tấn. Đây là nguyên nhân khiến ngành mía đường trong nước chịu thiệt hại nặng nề. Một loạt nhà máy đã phải đóng cửa, tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, có 3.300 người bị mất việc, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất nội địa.
Bình luận (0)