‘Bồ đào tửu’, ‘dạ quang bôi’ trong thơ nổi tiếng của Vương Hàn thực ra là gì?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
06/07/2021 13:00 GMT+7

Trong bài Lương Châu Từ của Vương Hàn (người nổi tiếng đầu thế kỷ thứ 8 đời nhà Đường - Trung Quốc ) có câu: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi". Vậy 'bồ đào tửu' và 'dạ quang bôi' thực ra là gì?

Bồ đào tửu mà Vương Hàn nêu trong câu thơ tức là rượu nho (vì bồ đào là quả nho). Rượu nho, còn được gọi là rượu vang, có nguồn gốc từ vùng Cận Đông khoảng 9.000 năm trước (cuối thời kỳ Đồ đá mới), về sau phổ biến dần đến Hy Lạp và Ai Cập cổ đại (do người Phoenicia mang rượu nho đi khắp nơi).
Đế chế La Mã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nghề trồng nho và làm rượu nho. Trong văn hóa Trung Hoa, thơ văn liên quan đến rượu khởi nguồn từ thời nhà Hán (202 TCN – 220 SCN). Vào năm 138 trước Công nguyên, sứ thần Trương Khiên (張騫) tới Tây vực, giao tiếp với những vương quốc Hy Lạp rồi đem về loại rượu nho mà người Trung Quốc gọi là bồ đào tửu (葡萄酒). Đây là loại rượu đã từng được đề cập trong Thần Nông bản thảo kinh, một loại rượu ban đầu được xem là kỳ lạ tại Trung Hoa, vì ở xứ sở này phổ biến nhất vẫn là rượu gạo.

Dạ quang bôi (chén ngọc dạ quang)

Ảnh: T.L

Đến đời nhà Đường (618 - 907), bồ đào tửu vẫn còn là vật quý, chỉ dành cho vua chúa; đến tận triều đại nhà Tống (960 - 1279) mới được các tầng lớp quý tộc sử dụng phổ biến. Vào thời nhà Nguyên, với sự thăng tiến của hoàng đế Mông Cổ, ngành công nghiệp rượu bồ đào đã đạt đến đỉnh cao. Ngoài việc dùng loại rượu này để thờ cúng Thái Miếu (đền thờ Tiên đế), đã thấy xuất hiện số vườn nho sản xuất rượu của triều đình và dân thường.

Loại chén ngọc trong suốt dưới ánh trăng

Riêng về dạ quang bôi (夜光杯) mà Vương Hàn viết, thực ra trong quyển Hải nội thập châu ký (海内十洲记), học giả Đông Phương Sóc cho biết vào thời Chu Mục Vương (992 - 922 TCN), người Tây Hồ cống nạp cho vua một con dao rất bén, chém sắt như chém bùn, được dùng để chế tác loại chén đựng rượu bằng ngọc trắng. Vào ban đêm, khi chứa đầy rượu nho, loại chén này sẽ trong suốt dưới ánh trăng, có thể đó là lý do cho thấy tại sao chén được đặt tên là dạ quang bôi.
Ban đầu người ta chế tạo loại chén này ở vùng Hòa Điền, Tân Cương, về sau chuyển tới Trường An và Lạc Dương. Do chén dễ tổn hại trong lúc vận chuyển nên người ta không chế tác chúng ở Trường An và Lạc Dương nữa, mà đưa về làm tại vùng Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Ngoài loại ngọc trắng người ta còn chế tác dạ quang bôi bằng những loại ngọc Tửu Tuyền, được khai thác ở dãy Kỳ Liên sơn. Ngọc Tửu Tuyền có thể chia thành 3 loại chính: mặc ngọc (墨玉, ngọc đen như mực), bích ngọc (碧玉, ngọc màu xanh biếc) và hoàng ngọc (黄玉, ngọc màu vàng); ngoài ra còn có loại ngọc trắng như mỡ cừu và loại màu xanh lá cây.

Dạ quang bôi đời mới giống hình cái ly

Một kiểu dạ quang bôi khác

Ảnh: T.L

Như vậy, câu “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” trong thơ Vương Hàn để chỉ rượu nho và chén ngọc dạ quang. Tuy nhiên, xin nói thêm là các loại ngọc Tửu Tuyền đựng rượu nho nóng hay lạnh đều được, đều là ngọc tự nhiên có khả năng chịu nhiệt độ cao hoặc thấp khá tốt. Ngày nay, loại dạ quang bôi hiện đại được làm giống như cái ly hoặc có hình dạng khác chứ không còn là chén như trước nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.