Giáo viên đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ có cấm bài kiểm tra 1 tiết
Một số giáo viên của trường THCS, THPT ở Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ việc thực hiện quy định mới thì có đồng nghĩa với việc “cấm” giáo viên tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết hay không, hay Bộ chỉ hạn chế số đầu điểm?
Một giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, bài kiểm tra 1 tiết thực ra không có lỗi nếu nó được thực hiện đúng mục tiêu. Trong thực tế, giáo viên vẫn cần thực hiện một số bài kiểm tra để
điều chỉnh cách dạy và học cho phù hợp hơn, dù điểm số của bài kiểm tra ấy không được dùng để xếp loại, đánh giá học sinh.
"Bỏ hẳn" bài kiểm tra 1 tiết là cách hiểu chưa chính xác
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên
Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ
Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: "Bộ GD-ĐT không cấm giáo viên tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết. Việc "bỏ hẳn"
bài kiểm tra 1 tiết cũng là cách hiểu chưa chính xác. Trong đánh giá định kỳ sẽ có các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành thí nghiệm hoặc dự án học tập. Thời gian có thể là 45 phút (tương đương với 1 tiết học) đến 90 phút. Với các môn chuyên, học sinh có thể làm bài kiểm tra 120 phút. Như vậy, không nên hiểu "xóa bỏ bài kiểm tra 1 tiết" mà thay vì quy định cứng như trước đây, bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ sẽ thực hiện linh hoạt hơn cả về cách thức và thời gian lẫn nội dung".
Trong đánh giá định kỳ sẽ có các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành thí nghiệm hoặc dự án học tập. Thời gian có thể là 45 phút (tương đương với 1 tiết học) đến 90 phút.
Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT)
|
Theo ông Thành, trước đây, số đầu điểm kiểm tra 1 tiết nhiều hơn. Có những môn có đến 2-3 bài kiểm tra 1 tiết mỗi học kỳ. Chỉ sau một phần kiến thức khoảng 2-3 tuần là có kiểm tra, nên không thuận lợi cho việc xây dựng đề kiểm tra theo hướng
đánh giá năng lực học sinh. Để đánh giá được rõ nét sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh cũng cần thực hiện sau một thời gian dài hơn. “Chính vì nhìn thấy điều này, chúng tôi đã điều chỉnh có 2 bài kiểm tra định kỳ cho mỗi học kỳ. Như vậy, khoảng 8 tuần học có 1 bài kiểm tra định kỳ. Quy định như thế này cũng phù hợp với cách làm của nhiều nước trên quốc tế”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho hay, đối với hình thức kiểm tra qua thực hành, thí nghiệm, bài kiểm tra định kỳ yêu cầu học sinh phải thực hiện bài thực hành, thí nghiệm hoàn chỉnh trong thời gian tương đương với ít nhất 1 tiết học. Với việc đánh giá qua dự án học tập, lãnh đạo trường phải chỉ đạo tổ bộ môn xây dựng khung đánh giá cụ thể, tương ứng với các nội dung học sinh, nhóm học sinh triển khai để làm sao đánh giá đúng năng lực, thái độ của học sinh thể hiện ở các mức độ khác nhau khi cùng tham gia dự án.
Môn nhiều nhất chỉ có 6 đầu điểm/học kỳ
Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Theo Thông tư 26, tổng số đầu điểm đã giảm so với quy định hiện hành.Môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.
Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: quy định 2 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học: quy định 3 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học: quy định 4 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.
Trong mỗi học kỳ, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ với các hệ số quy định.Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1; điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ tính hệ số 2 và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ tính hệ số 3.
|
Bình luận (0)