Có địa phương hơn 70% học sinh thiếu thiết bị
Theo báo cáo nhanh của 48/48 tỉnh, thành phố đã tổ chức khai giảng năm học mới (đến cuối giờ chiều ngày 6.8), có 14.010 trường (chiếm tỷ lệ 41,03%) với tổng số 213.479 lớp (37,79%) tổ chức học theo hình thức trực tiếp;
11.419 trường (33,44%) với tổng số 223.957 lớp (39,65%) tổ chức học theo hình thức trực tuyến; 8.719 trường (25,53%) với tổng số 127.448 lớp (22,56%) chưa tổ chức dạy học. Hầu hết các địa phương tập trung ưu tiên dạy học cho các lớp cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, qua khảo sát nhanh của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ GD-ĐT liệt kê những khó khăn chồng chất trong việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay, đến từ cả điều kiện khách quan và chủ quan, như: nhiều tỉnh, thành phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập.
TP.HCM thống kê sơ bộ còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến…
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả. Khó khăn này không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố lớn.
Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó có một số tỉnh lùi thời gian học đối với cấp tiểu học như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu.
Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nề nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra thực tế: nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến theo cách làm cũ, thời gian tiết học dài làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự tập trung học tập của học sinh, chưa theo đúng hướng dẫn của Bộ là tinh gọn, chỉ đưa vào bài giảng những kiến thức cốt lõi cho học sinh.
|
Nhiều giải pháp ứng với từng khó khăn khác nhau
Bộ GD-ĐT cho biết, trước khó khăn chung của ngành GD-ĐT, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh, giáo viên như: Hà Nội huy động được hơn 2.000 máy tính, thiết bị dạy học; TP.HCM tổ chức quyên góp, huy động ủng hộ máy tính, điện thoại; ; Thừa Thiên - Huế trích ngân sách hỗ trợ thiết bị học tập; Hà Tĩnh huy động doanh nghiệp ủng hộ phương tiện học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Nghệ An cử cán bộ biên phòng đến các bản làng để hỗ trợ điện thoại và giúp đỡ học sinh học trực tuyến…
Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo để khắc phục khó khăn như dạy học và hướng dẫn việc học qua hình thức tin nhắn học đường, qua nhóm trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook…); dạy học và hướng dẫn việc học qua tài liệu do giáo viên chuẩn bị và photo gửi đến gia đình học sinh…
Kho học liệu của Bộ GD-ĐT đã được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước. Hiện nay có gần 7.000 bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng. Có 14 kênh truyền hình của T.Ư và địa phương thường xuyên phát chương trình ôn tập và dạy học.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cho biết đã rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để sắp tới sẽ ban hành hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội; tiếp tục bổ sung nguồn học liệu số và bài giảng trên truyền hình để duy trì hoạt động dạy và học, bảo đảm các hoạt động giáo dục không bị đứt gãy.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6.
Đối với các lớp còn lại, Bộ GD-ĐT lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng, Bộ hỗ trợ thẩm định bài giảng.
Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh, để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Đối với bậc học mầm non, Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng ngân hàng video clip để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.
Giáo viên, học sinh đang là F0, F1 nhiều - tỷ lệ tiêm vắc xin thấp
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết: số giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1 nhiều. Cụ thể, đến ngày 8.9, cả nước có 2.704 giáo viên và 9.458 học sinh thuộc diện F0; 4.125 giáo viên và 11.563 học sinh thuộc diện F1.
Trong đó, cao nhất là TP.HCM, tính đến sáng ngày 6.9, có 2.096 giáo viên và 6.630 học sinh thuộc diện F0; 1.990 giáo viên và 6.424 học sinh thuộc diện F1. Chưa kể số giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dạy - học ở một số địa phương.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục ở một số địa phương còn thấp, một số địa phương mới tổ chức tiêm mũi 1. Như Tuyên Quang mới tổ chức tiêm mũi 1 cho 41,7% giáo viên; Ninh Bình có 335 giáo viên tiêm mũi 1 và 966 giáo viên tiêm mũi 2…
|
Bình luận (0)