‘Bố già’ của Trấn Thành bị giới phê bình quốc tế chê dở: Khán giả Việt nói gì?

20/02/2022 08:56 GMT+7

Đánh giá của các nhà phê bình nước ngoài về Bố già bất ngờ được 'khui' lại, nhanh chóng làm 'dậy sóng' mạng xã hội . Trước ý kiến của giới chuyên môn quốc tế, khán giả trong nước cũng đưa ra những nhận xét riêng.

Khi Bố già nhận "cà chua thối"

Mới đây, điểm đánh giá của Bố già trên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes cũng như những ý kiến của các nhà phê bình quốc tế về bộ phim bất ngờ bị “đào” lại và lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội. Theo đó, phim điện ảnh của Trấn Thành thu hút nhiều bình luận của người xem với 98% điểm “cà chua tươi” đến từ khán giả đại chúng nhưng chỉ được giới phê bình chấm 29% thông qua 7 bài đánh giá, trong đó có 5 bài dành lời chê và liệt Bố già vào hàng phim dở.

Bố già nhận những đánh giá không mấy tích cực từ các cây viết phê bình quốc tế

chụp màn hình

Cây bút phê bình của Variety - một tờ tạp chí uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật của Mỹ, nhận xét Bố già khiến người xem thất vọng vì mang nặng hơi hướng phim truyền hình và lạm dụng quá nhiều sự căng thẳng, lên gân, gào thét. Song, việc sở hữu một hệ thống nhân vật đồ sộ nhưng mờ nhạt cũng “bóp nghẹt” mối quan hệ cha con trung tâm, vốn là điểm sáng trong bộ phim này. Tuy nhiên, nhà phê bình của Variety vẫn dành cho Bố già lời khích lệ rằng: “Trấn Thành với “chất giọng” điện ảnh của anh ấy sẽ có tiềm năng lan tỏa rộng rãi và được đồng cảm nếu như anh ấy biết tiết chế lại sự 'gào thét' của chính mình”.

'Bố già' của Trấn Thành nhận lời chê từ giới phê bình phim quốc tế

Trong khi đó, nhà phê bình Todd McCarthy của tờ Deadline đã viết: “Tất cả tình huống trong kịch bản dường như bị lu mờ bởi thứ âm thanh hài hước thao túng khán giả theo một cách thảm hại. Mọi miếng hài thì đều được nhấn mạnh bởi thứ âm nhạc ngớ ngẩn”. Bên cạnh đó, Todd McCarthy cũng cho rằng các bi kịch trong Bố già có vẻ được phóng đại một cách quá mức. Phóng viên của South China Morning Post thì chấm điểm cho phim của Trấn Thành ở mức 2/5 điểm. Ngoài ra, người này bình luận điểm yếu của Bố già nằm ở chỗ quá ôm đồm, khiến khán giả như bị lạc từ phim này sang phim khác mà bỏ qua sự tinh tế cũng như nhất quán về màu sắc.

7 bài viết của các nhà phê bình nước ngoài đều không đánh giá cao bộ phim điện ảnh do Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng đạo diễn

galaxy

Tuy nhiên, chuyên trang điện ảnh Film Threat và cây bút Martin Tsai của Critic’s Notebook đã dành nhiều lời khen ngợi và sự khích lệ cho Bố già. Trang Film Threat bình luận Bố già đã khai thác tốt những khía cạnh của văn hóa địa phương, rằng “Đây là bộ phim đáng để thử nếu bạn muốn trải nghiệm một trong những ví dụ hay nhất về điện ảnh thế giới”. Còn trang Critic’s Notebook thì ngợi khen trong các thập niên gần đây, ít có bộ phim nào khắc họa được những bản sắc văn hóa độc đáo trong đời sống người Á Đông như cách mà Bố già đã làm.

Rotten Tomatoes là một chuyên trang đánh giá, phê bình điện ảnh được nhiều người biết đến. Cách chấm điểm phim của Rotten Tomatoes được hoạt động với nguyên tắc trang sẽ thống kê điểm trên tổng số đánh giá. Các đánh giá sẽ được phân ra làm 2 loại là Fresh (đánh giá tích cực) hay là Rotten (đánh giá tiêu cực). Nghĩa là bắt buộc nhà phê bình phim phải cho điểm ở 2 thái cực đối nghịch nhau hoàn toàn: hay hoặc dở chứ không có một thang đo với nhiều cấp độ. Sau đó, họ sẽ tính tỷ lệ giữa người đánh giá Fresh và Rotten rồi cho ra điểm %. Có hai bảng điểm riêng biệt, một dành cho giới phê bình, các tờ báo và một dành cho khán giả đại chúng.

Bố già bị chê bai, dân mạng tranh cãi

Khi thông tin phim Bố già bị các nhà phê bình quốc tế đánh giá thấp được đăng tải, nhiều độc giả của Thanh Niên cũng như đông đảo dân mạng đã đưa ra nhận xét, đánh giá trái chiều.

Dân mạng bàn tán sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về Bố già cũng như đánh giá của các nhà phê bình quốc tế về bộ phim

galaxy

Nhiều bạn đọc đồng tình đối với ý kiến của các nhà phê bình quốc tế, cho rằng Bố già nói riêng và phim Việt nói chung cần phải khắc phục nhiều hạn chế để vươn tầm quốc tế.

Bạn đọc H.H nêu ý kiến: “Chấp nhận lời phê bình đi. Thậm chí có những phim được sản xuất tại kinh đô điện ảnh thế giới, doanh số cao nhưng vẫn bị chê như thường. Những nhà phê bình này đều là chuyên gia, họ không chỉ nhìn vào doanh số mà còn đánh giá nội dung phim, các tình tiết, nhân vật. Chấp nhận sửa sai mới phát triển được”. Độc giả M.N đưa ra quan điểm: “Người nước ngoài nói là chính xác nhất, họ đi trước mình tới 50 năm, chỉ ai ảo tưởng mới khen… Chả hiểu sao ai cho phim này đi quốc tế”. Người dùng tên B.T bình luận: “Phim này cũng đâu hay đặc sắc gì mà đem ra quốc tế chi họ chê đánh giá thấp. Phim của mấy đạo diễn lớn người ta nghiên cứu tâm huyết cả mấy năm trời còn chưa thắng giải gì, huống chi ba cái phim nhảm nhí, coi chỉ cho vui, xả stress, coi xong chẳng để lại tí ấn tượng gì cho khán giả”. Độc giả H.P thẳng thắn: “Nghe lời chê mới biết thực lực của mình đến đâu chứ nghe fan cuồng, truyền thông tung hô khiến nhiều người tò mò bỏ tiền đi xem tạo doanh thu cao thì lại ảo tưởng tưởng mình là nhất” và nhận hơn 500 lượt đồng tình.

Ngoài ra, không ít khán giả khác cho rằng phim có nhiều lỗ hổng, nội dung không đặc sắc, nhiều góc khai thác còn non yếu… và tỏ thái độ mỉa mai khi phim được khen ngợi, nhận nhiều giải thưởng trong nước.

Có luồng ý kiến cho rằng 7 bài đánh giá trên chưa thể nói lên được điều gì vì vẫn rất nhiều khán giả yêu thích bộ phim

galaxy

Bên cạnh phía đồng tình với đánh giá của các nhà phê bình nói trên, nhiều độc giả cho rằng những lời chê chưa thực sự thuyết phục bởi đó là ý kiến của người nước ngoài về một bộ phim khai thác đời sống, văn hóa Việt Nam.

Bạn đọc tên T.V chia sẻ rằng những đánh giá này không hẳn là đúng: “Thứ nhất: Trấn Thành chỉ là nhà làm phim nghiệp dư, đâu phải chuyên nghiệp. Thứ hai, đem tầm quốc tế ra mà so thì không chỉ phim mà hầu như mọi thứ mình đều thua họ. Thứ ba, người ta (quốc tế) họ sống khác, ở họ quan niệm gia đình sẽ khác ta. Với tôi, Trấn Thành như vậy là giỏi! Phim Bố già hay và nhân văn”.

Khán giả M.Q.N bênh vực: “Phim văn hóa Việt đi cho mấy ông Tây đánh giá thì chạm tới họ sao được. Cũng như phim quốc tế nhiều phim đoạt giải này nọ mình coi có ra sao đâu. Thôi bớt chê bai. Người ta làm được vậy mình có làm được không mà chê hoài”.

Tài khoản tên H.Y lại cho rằng: “Phim chỉ hay ở chỗ nội dung chạm đến những tình cảm, hoàn cảnh của những người thân ruột thịt với nhau trong đa số gia đình của Người Việt Nam, theo văn hóa của Việt Nam chứ không phù hợp tình cảm hoàn cảnh và văn hóa của những gia đình nước ngoài”.

Còn độc giả L.B nêu ý kiến riêng: “Chỉ có 7 bài đánh giá thì nói lên được điều gì? Hàng ngàn khán giả đã xem qua, trân quý và thích bộ phim này, đó mới là điều đáng ghi nhận”.

Mặc dù thắng lên trên mặt trận phòng vé song Bố già vẫn gây ra nhiều ý kiến tranh cãi về chất lượng, nội dung

galaxy

Vấn đề trên cũng nhận được sự quan tâm của một số cây viết phê bình trong nước. Chia sẻ với Thanh Niên, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng 7 bài đánh giá là quá ít để có thể đưa ra quy kết theo kiểu "phim bị báo chí nước ngoài chê thảm hại" hay “bị giới phê bình chê bai thậm tệ”. Song, anh nhận xét: “Chúng ta chỉ nên xem Rotten Tomatoes là một kênh tham khảo chứ không phải là một ông quan tòa về phim ảnh. Nó là một kênh tập hợp những bài điểm phim trên báo chí Mỹ và lấy số điểm trung bình cộng. Có những phim ‘tươi’, thậm chí 100% vẫn đội sổ phòng vé và có những phim điểm ‘thấp lè tè' lại là ông vua của phòng vé. Loạt phim Twilight hay 50 Shades of grey là những ví dụ, với số điểm còn thấp thảm hại hơn Bố già nhiều. Hay mới đây nhất, Don't Look Up với một dàn sao lớn bị ‘ném’ cà chua thối với số điểm trung bình là 56% (281 bài reviews) nhưng vẫn được Viện Hàn lâm Mỹ đề cử Phim hay nhất của Oscar 2022; hay Eternals của nữ đạo diễn mới thắng giải Oscar năm ngoái - Chloe Zhao, còn thấp hơn với 47% (381 bài reviews)”.

Còn nhà phê bình phim trẻ Lucas Luân Nguyễn cho rằng Rotten Tomatoes không phải là 1 trang cho điểm mà là chỉ một trang tổng hợp các bài viết, ý kiến của nhà phê bình hoặc khán giả để từ đó khái quát hóa nó sang thang điểm % của trang cho người theo dõi dễ đọc, dễ nắm. “Với tôi thì việc một phim Việt Nam nhận số điểm thấp trên Rotten Tomatoes là một việc hết sức bình thường và là một điều chúng ta cần làm quen dần khi Việt Nam đang định hướng cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới. Phim có 3 nhà phê bình xem hay 300 nhà phê bình xem thì cũng được quy về điểm số theo dạng %. Nên với số điểm hiện tại dựa trên 7 bài viết của 7 trang phê bình phim của Bố già không đáng để bị xem như một thất bại", anh nhận định.

Dù vấp phải đủ ý kiến khen chê, tác phẩm vẫn gặt hái được thành công vang dội ngoài phòng vé và nhận nhiều giải thưởng trong nước

facebook trấn thành

Trước khi vấn đề đánh giá phim “dậy sóng” trở lại, Bố già từng đạt được những thành tích ấn tượng tại phòng vé trong nước lẫn quốc tế. Tác phẩm đem về khoản doanh thu hơn 400 tỉ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. “Đứa con” tâm huyết của Trấn Thành cũng được chiếu tại các thị trường: Malaysia, Singapore, Úc… và vượt mốc 1 triệu USD doanh thu tại Mỹ.

Bên cạnh đó, Bố già còn được vinh danh tại các lễ trao giải như: Cánh diều vàng, Liên hoan phim Việt Nam, Ngôi sao xanh… Cuối năm ngoái, tác phẩm gây ý kiến trái chiều khi được chọn tham gia vòng sơ loại hạng mục Phim quốc tế hay nhất tại Oscar 2022. Phim sau đó trượt đề cử rút gọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.