Bổ ích Từ điển từ ngữ Nam bộ

18/02/2014 13:22 GMT+7

Trong một bài báo tết vừa rồi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, người nổi tiếng với văn phong đậm đà từ ngữ Nam bộ, có viết: “Chèn đét ơi, tưa tải nẩy ra khỏi môi trầu của mấy bà nhà quê có phải từ trời đất ơi, tơi tả trại âm theo giọng Quảng mà ra”. Câu hỏi bâng quơ này làm chúng tôi nhớ tới cuốn tự điển dày gần 1.500 trang của TS Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam bộ (NXB Chính trị quốc gia, 2009).

Bổ ích Từ điển từ ngữ Nam bộ 

Thử tra ở trang 327 từ chèn ơi. Sau khi ghi rõ cách đọc theo ký hiệu phiên âm quốc tế như cách làm ở từ điển ngoại ngữ (một việc ít người làm với từ điển phương ngữ tiếng Việt), tác giả giải thích chèn ơi  là “giời ơi, biểu thị cảm xúc phân bua” rồi dẫn tiếp một câu văn sưu tầm được: “Chèn ơi, tôi có nói gì đâu mà nó làm dữ với tôi”.

Tương tự, ở trang 1.336, từ tưa tải mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đề cập, được giải thích theo hai nghĩa: “1. tơi tả, ở tình trạng bị rách rời ra thành từng mảnh nhỏ, trông lôi thôi, lếch thếch” với câu văn trích: “Quần áo tưa tải cái kiểu này, mặc đi tỉnh tui ngại lắm”; “2. tơi tả, ở tình trạng bị nhừ tử, thảm hại” kèm câu văn dẫn chứng: “Bị chúng đánh cho tưa tải cho chừa cái tật hống hách”.

Ngay ở nội ô TP.Cần Thơ giờ đây, thỉnh thoảng ta vẫn nghe một người phụ nữ cỡ tuổi 50 quen nói chà răng thay vì nói đánh răng. Ở trang 293 Từ điển từ ngữ Nam bộ, TS Huỳnh Công Tín giải thích chà răng là “đánh răng, chải răng cho sạch chất bẩn bám” rồi dẫn tiếp một câu văn Nam bộ: “Con thức dậy, chà răng đi, rồi ăn sáng, đi học”.

Cũng có thể ta hay nghe hoặc nói những từ Nam bộ, kiểu như say quắc cần câu; từa lưa hột dưa; chửi tưới hột sen; chà bá; âm trì địa ngục… với một tình cảm bình dân quen thuộc trong sinh hoạt đời thường. Vẫn giữ cái hồn phách ấy khi chọn những câu văn minh họa, tác giả còn giúp cho ta hiểu rành rẽ ý nghĩa gốc của những từ này khi giải thích. Thí dụ âm trì địa ngục là “chậm chạp, tối dạ, lì lợm, khó dạy, hàm ý xấu”; chửi tưới hột sen: “chửi vãi lên thiên hạ, không kiêng chừa ai”; say quắc cần câu: “say đến độ, người gục xuống, lắc lư, đi đứng không còn vững, dần dà dẫn tới hiện trạng nằm bất động”…

Ở cuốn từ điển này, ngoài việc mỗi mục từ được giải thích cả nghĩa đen, nghĩa bóng với trích dẫn tư liệu đầy đủ, tác giả còn tập hợp được nhiều lời ăn tiếng nói của người Nam bộ trong đời sống thường ngày cũng như trong các tác phẩm văn chương. Do vậy, nói như lời nhà xuất bản: Nhờ đó, người đọc có thể bổ sung hiểu biết không những về mặt từ ngữ, ngữ nghĩa mà còn có cả các lĩnh vực khác như  văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán… của người dân Nam bộ nói chung, người dân ĐBSCL nói riêng.

Giới thiệu cho lần xuất bản đầu cuốn tự điển này (năm 2007), nhà văn Sơn Nam có viết: “Théc cho muồi” phải chăng là kiểu “Cái ngủ mày ngủ cho say”. Muồi là muồi mẫn, ở Nam bộ, bạn nào ca bài vọng cổ nghe trữ tình, lãng mạn tới mức thì được khen là giọng ca muồi mẫn. Muồi phải là có “uồi” chớ nào phải là “ùi”, theo chính tả. Trong Nam bộ mùi chỉ được hiểu theo nghĩa mùi vị, còn như trái xoài, trái chuối đã quá chín, gọi là chín muồi.

Còn với tác giả, TS. Huỳnh Công Tín, lời đề từ này của ông ở đầu sách, như một lời tâm sự âm vang tiếng gọi của vùng đất phương Nam: Tôi ra đời và lớn lên ở Nam bộ, vốn nặng tình với vùng đất sinh ra ông bà, cha mẹ mình và tiếng nói của người dân quê hương, nên đã làm điều có phần quá khả năng. Xin bạn đọc lượng tình xem đây như một việc thể hiện tấm lòng đối với bà con ruộng vườn sông nước…

Huỳnh Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.