Trong cả 3 trận đấu của U.23 Việt Nam tại Doha Cup 2023, HLV Philippe Troussier đều sử dụng sơ đồ 3 trung vệ linh hoạt, với công thức 3-4-3 khi có bóng triển khai tấn công và 5-4-1 khi phòng ngự.
Sơ đồ 3 trung vệ mà HLV Troussier áp dụng có phần giống thời HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, khác biệt giữa hai đội nằm ở cách triển khai lối chơi. Nếu đội bóng của HLV Park trước đây tập trung vào những đường chuyền vượt tuyến từ hàng phòng ngự hay tấn công biên, đội bóng của ông Troussier lại chú trọng chuyền ngắn để luân chuyển đội hình và kiểm soát nhịp độ chơi bóng.
Hàng phòng ngự là nơi đầu tiên HLV Troussier định hình xong. Trong khung gỗ, Văn Chuẩn là lựa chọn số 1 với kỹ năng chắc chắn, cùng kinh nghiệm thi đấu tại sân chơi châu Á. Trong số 3 trung vệ, Duy Cương và Tuấn Tài nhiều khả năng chắc suất. 2 cầu thủ này nằm trong nhóm đội trưởng ông Troussier lựa chọn, đồng thời đã có trải nghiệm thi đấu tại V-League, SEA Games 31 hay giải U.23 châu Á 2022.
Vị trí còn lại đang là sự phân vân giữa Quang Thịnh và Tiến Long. Quang Thịnh có thi đấu cả 3 trận tại Doha Cup 2023 (2 trận đá chính) và được trao băng đội trưởng 1 trận. Ở chiều ngược lại, Tiến Long dù nằm trong nhóm đội trưởng, nhưng trung vệ của CLB Hà Nội chỉ đá 2 trận, nghỉ 1 trận do bị treo giò. Tiến Long giàu kinh nghiệm ở cấp độ trẻ, nhưng Quang Thịnh là ẩn số mà HLV Troussier đang tính toán.
Ở cánh trái, HLV Troussier tin tưởng Minh Trọng. Còn ở cánh phải, ban đầu Văn Đô là lựa chọn hàng đầu, nhưng ở 2 trận gặp U.23 UAE và U.23 Kyrgyzstan, ông thầy người Pháp lại đẩy Văn Đô lên đá tiền đạo trái, còn xếp Văn Thắng vào khu vực này. Nhìn chung, nếu cánh trái là cuộc cạnh tranh của Minh Trọng và Tuấn Tài (trong trường hợp Tuấn Tài được đẩy lại ra cánh), cánh phải U.23 Việt Nam đang có nhiều gương mặt để chọn lọc hơn như Văn Đô, Văn Thắng hay hậu vệ Văn Cường chơi khá tốt ở giải U.20 châu Á 2023.
Ở tuyến giữa, HLV Troussier luân phiên dùng Công Đến, Đức Việt, Nhật Nam ở những trận đấu đã qua, còn Minh Khoa và Vĩnh Nguyên dự bị. Trong sơ đồ 3-4-3, nhiệm vụ của 2 tiền vệ trung tâm tương đối nặng. Ngoài việc lùi về sân nhà để hỗ trợ hàng thủ thoát pressing, các tiền vệ giữa còn phải di chuyển liên tục để tạo thành các điểm kết nối giúp luân chuyển bóng nhịp nhàng lên tuyến trên.
Ở vai trò thi đấu như “con thoi”, các học trò của HLV Troussier chưa hoàn thành 100% nhiệm vụ bởi bất lợi thể hình và thể lực để thi đấu với cường độ cao trong 90 phút. Tuyến giữa luôn là nỗi lo của U.23 Việt Nam. Minh chứng là ở kỳ SEA Games gần nhất, HLV Park Hang-seo đã dùng 2 trong 3 suất cầu thủ quá tuổi để bổ sung cho vị trí tiền vệ trung tâm. Đào tạo ra mẫu tiền vệ toàn diện về kỹ chiến thuật như Hùng Dũng, Hoàng Đức là thử thách với các trung tâm đào tạo, mà lứa trẻ hiện nay có lẽ cần thời gian để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bóng đá hiện đại.
Ở khu vực này, HLV Troussier vẫn còn Văn Trường và Văn Khang. Tuy nhiên, Văn Khang chưa đá thường xuyên, còn Văn Trường đang được ưu tiên cho suất tiền đạo cắm nhờ chiều cao lý tưởng cùng khả năng tạo đột biến. Khi Văn Tùng bình phục chấn thương, HLV Troussier có thể sẽ đưa Văn Trường trở lại tuyến giữa như cách HLV Gong Oh-kyun đã dùng hiệu quả ở giải U.23 châu Á 2022.
Trên hàng tiền đạo, Thanh Nhàn và Văn Trường đá chính cả 3 trận, trong đó Thanh Nhàn gây ấn tượng với giải cầu thủ hay nhất trận ở cuộc so tài với U.23 Kyrgyzstan. Trong bối cảnh ông Troussier kỳ vọng vào năng lực tấn công của lứa U.20 hơn U.23, Thanh Nhà, Quốc Việt, Văn Khang là những cái tên sáng giá.
Nhìn chung, bộ khung U.23 Việt Nam đang dần thành hình sau đợt tập trung tháng 3 và Doha Cup 2023. Những định hình cơ bản này sẽ giúp HLV Troussier chuẩn bị chiến lược bài bản hơn cho SEA Games 32. Dù vậy, một số vị trí có thể thay đổi, còn tùy thuộc vào phong độ cầu thủ trong 2 tuần thi đấu trước mắt. Nhà cầm quân người Pháp sẽ theo dõi sát sao màn thể hiện của học trò để chốt lại đội hình lý tưởng.
Bình luận (0)