Đây là cảnh báo của ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), về tình trạng lừa đảo người lao động sang Campuchia làm việc với chiêu bài “việc nhẹ lương cao”, tại buổi gặp mặt báo chí chiều 20.6.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước |
T.Hằng |
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Việt Nam và Campuchia có thỏa thuận hợp tác về lao động, thỏa thuận đảm bảo pháp lý cho người lao động ở vùng biên và những người lao động đã đang ở lãnh thổ của từng nước.
Trong thời gian gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước có nhận được thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh về việc nhiều lao động bị lừa đảo sang Campuchia làm việc với chiêu “việc nhẹ lương cao”. “Đây là những lao động không phải đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động của các doanh nghiệp được cấp phép trong nước mà đi đường bộ qua khu vực biên giới”, ông Liêm khẳng định.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trong thời gian qua, cơ quan này cũng đã có những thông tin cảnh báo, khuyến nghị chung đối người lao động đi làm việc ở nước ngoài chứ chưa có cảnh báo riêng thị trường Campuchia.
Để tránh bị lừa đảo, về phía người lao động, ông Liêm khuyến cáo cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các điều kiện quy định xem mình có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không.
Ông Liêm chia sẻ: “Có nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra tuyển người lao động với lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao, thu nhập tốt, điều kiện làm việc tốt”, nhưng thực tế không đúng như vậy. Người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các doanh nghiệp đều được đăng tải trên trang web của cục tại địa chỉ: www.Dolab.gov.vn, hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý lao động tại địa phương nơi mình cư trú để được hướng dẫn thêm”.
Một nạn nhân 18 tuổi, quê ở Yên Bái, bị lừa bán sang Campuchia |
Do GIA ĐÌnh Nạn NHÂN Cung CẤP |
Lừa qua Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao' |
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đề nghị khi người lao động hoặc các cơ quan báo chí nhận được thông tin lừa đảo người lao động, cần cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, qua đó Cục Quản lý lao động ngoài nước có thể đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở vào cuộc kiểm tra và hướng dẫn người lao động xác minh. Nếu có tổ chức cá nhân vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Về chiêu thức lừa đảo người lao động, ông Liêm cảnh báo: “Lợi dụng mạng xã hội, rất nhiều tổ chức cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đưa thông tin sai sự thật, kể cả lập các trang web, nhóm trên Zalo tạo ra lòng tin của người lao động rất tinh vi. Ngoài ra, có những tổ chức cá nhân dùng cả hình ảnh của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, làm giả trang web giống như trang web của doanh nghiệp uy tín, mở văn phòng, tổ chức sự kiện tại khách sạn nhằm gây lòng tin để lừa đảo người lao động”.
Theo ông Liêm, việc này cần có sự phối hợp với công an và hợp tác giữa các bên để có những biện pháp xử lý khi phát hiện những tổ chức cá nhân không có chức năng đi làm việc ở nước ngoài, cũng như thông tin đến người lao động để ngăn ngừa lừa đảo.
“Tới đây, Cục Quản lý lao động sẽ bổ sung những thông tin thời sự nóng về lao động được dư luận quan tâm như thông tin lao động bị lừa đảo sang Campuchia. Người lao động ở nước ngoài khi gặp các vấn đề, cần trợ giúp có thể phản ánh qua đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số máy 024 38249517 (số máy lẻ 511, 512, 513)”, ông Liêm nói.
Trước đó, trong tháng 6, Báo Thanh Niên đã nhận được các cuộc gọi cầu từ của người lao động từ Campuchia qua đường dây nóng.
Rất nhiều nạn nhân đã bị lừa bán qua Campuchia lao động và chưa biết ngày về; thậm chí, nhiều trường hợp người thân phải bỏ cả trăm triệu đồng để chuộc nạn nhân về nước...
Bình luận (0)