Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, nên hay không ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/01/2023 07:45 GMT+7

Một trong những quy định đáng chú ý tại dự thảo quy chế hoạt động trường THPT chuyên mà Bộ GD-ĐT công bố là “không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”. Nhiều ý kiến với những tranh luận trái chiều xung quanh quy định này.


TS. Đàm Quang Minh: Trường chuyên để làm gì?

Thực tế lớp không chuyên trong trường chuyên

Hà Nội có 4 trường THPT chuyên thuộc Sở GD-ĐT, trong đó có 2 trường có hệ không chuyên là THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuy từ lâu đã bỏ lớp không chuyên ở cấp THPT nhưng lại tồn tại hệ THCS với quy mô rất lớn, hệ THCS này không thể gọi là chuyên (vì luật Giáo dục không cho phép có trường chuyên lớp chọn ở cấp THCS), nhưng cũng không thể gọi là hệ chất lượng cao vì chưa có văn bản nào công nhận.

Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có các trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH như: THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn, THPT chuyên Sư phạm… Tất cả các trường THPT chuyên thuộc trường ĐH từ lâu đều tồn tại các lớp không chuyên dưới tên gọi khác nhau như: cận chuyên, chất lượng cao…

Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, nên hay không ? - Ảnh 2.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bỏ lớp không chuyên ở cấp THPT nhưng lại tồn tại hệ THCS với quy mô lớn

NGỌC THẮNG

Điểm chuẩn vào lớp 10 của các lớp không chuyên này chỉ thấp hơn một chút so với hệ chuyên. Tuy nhiên, mức học phí mà học sinh (HS) các lớp không chuyên phải đóng thì lớn hơn rất nhiều so với HS chuyên. Ví dụ, HS chuyên chỉ phải đóng học phí theo khung dành cho trường phổ thông công lập nhà nước quy định thì HS học hệ không chuyên hoặc hệ chất lượng cao trong trường THPT chuyên trực thuộc trường ĐH sẽ phải đóng mức học phí lên tới hàng triệu đồng mỗi tháng. Đây cũng là nguồn thu mà các trường THPT chuyên cho rằng đã góp phần cải thiện hoạt động giáo dục và thu nhập của giáo viên. Chưa kể, HS chuyên có thành tích tốt sẽ được cấp học bổng mỗi học kỳ, còn HS hệ cận chuyên thì không.

Do vậy, nếu Bộ GD-ĐT quyết định “giải tán” lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới “nồi cơm” của các trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH, đồng thời cơ hội được vào học trường chuyên của nhiều HS chưa đủ điểm vào hệ chuyên sẽ hẹp hơn. Chính vì vậy, không ít ý kiến bảo vệ việc cần giữ hệ không chuyên trong trường chuyên như lâu nay.

“Xóa sổ” hay để trường tự quyết ?

Trao đổi với báo chí, TS Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (Hà Nội), cho rằng thay vì xóa sổ lớp không chuyên, Bộ

GD-ĐT nên để các cơ sở đào tạo tự quyết dựa vào nhu cầu, tiềm lực của mình. Ông Tiến lý giải: các trường chuyên thường được bố trí tại những nơi có mật độ dân số cao, nên hằng năm số thí sinh dự thi đông. Trong khi đó, chỉ tiêu chỉ khoảng 350 - 400 HS mỗi trường. Theo ông Tiến, một kỳ thi không thể đánh giá chính xác tuyệt đối năng lực của HS. Có những em sơ sẩy, làm bài không tốt nên trượt, dù có năng lực và điểm xấp xỉ ngưỡng trúng tuyển. Vì vậy, việc mở lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ trao cơ hội cho những HS này. Các em sẽ được trải nghiệm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chất lượng như một HS chuyên. Hằng năm, trường vẫn xét thành tích của HS tại lớp không chuyên, nếu đạt điều kiện có thể được chuyển lên lớp chuyên. Ngược lại, HS không theo kịp chương trình chuyên được cân nhắc chuyển về lớp không chuyên.

Góp ý bằng văn bản về dự thảo này, ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cũng đề nghị sửa quy định “không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên” thành “ngoài các lớp chuyên, có thể có các lớp không chuyên”. Do nhu cầu HS học trường chuyên rất lớn, tuy nhiên để có điều kiện đảm bảo các chế độ cho HS chuyên, đa số các địa phương đều quy định mỗi môn chỉ có một lớp chuyên. Hơn nữa, việc có các lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường.

Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, nên hay không ? - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong một buổi lễ chia tay học sinh lớp 12

ngọc long

Tạo nguồn lực để đầu tư trường chuyên

Mặc dù vậy, rất nhiều ý kiến đồng tình rằng đã đến lúc cần bỏ hệ không chuyên trong trường chuyên, tạo điều kiện và dành nguồn lực đầu tư công bằng hơn cho cả hệ thống không chuyên.

Trên các diễn đàn về chủ đề này, nhiều ý kiến phụ huynh khẳng định phải rạch ròi và công bằng trong các quy định. Quy định hiện nay là nghiêm cấm mở lớp chuyên, lớp chọn trong trường không chuyên, vậy trường chuyên cũng chỉ có lớp chuyên, không nên tiếp tục tồn tại lớp không chuyên. “Ai thật sự giỏi, có năng lực thì vào trường chuyên để được đào tạo phát triển năng khiếu. Ai nỗ lực hết sức nhưng không đỗ vào trường chuyên thì nên chấp nhận, vì sau này trưởng thành, không phải lúc nào giỏi cũng thành công trong sự nghiệp”, một ý kiến bình luận.

Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết từ năm 2019, sở này đã quyết định dừng tuyển HS không chuyên vào trường THPT chuyên của tỉnh sau 3 năm thí điểm. Nguyên nhân là thấy mô hình lớp không chuyên trong trường chuyên không phù hợp và không hiệu quả với mục tiêu của trường chuyên.

Trường chuyên TP.HCM vẫn báo cáo chỉ tiêu tuyển sinh lớp thường

Theo lãnh đạo một trường THPT chuyên tại TP.HCM, trong tháng 1, các trường THPT sẽ báo cáo, đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho năm học mới.

Cho đến thời điểm hiện nay, nhà trường vẫn đề xuất với Sở chỉ tiêu cho các lớp 10 chuyên và lớp thường như những năm học trước. Với đề xuất này, Sở GD-ĐT sẽ rà soát và tùy theo tình hình thực tế để ban hành, công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào khoảng đầu tháng 4.

Được biết, tại TP.HCM có 2 trường chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và chuyên Trần Đại Nghĩa. Hằng năm, ngoài HS lớp 10 chuyên, mỗi trường còn dành chỉ tiêu từ 80 - 100 HS vào lớp 10 không chuyên.

Bích Thanh

Ông Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), cho hay trường cũng không tổ chức lớp không chuyên. Ông Hiếu phân tích việc duy trì các lớp không chuyên trong trường chuyên có 2 điều bất ổn. Thứ nhất là làm giảm chất lượng học tập của HS chuyên. Thứ hai, từ thực tế đó sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào lớp 10 các trường chuyên THPT. Để hệ thống trường chuyên thực sự là “cái nôi” bồi dưỡng nhân tài cho đất nước thì khâu tuyển sinh đầu vào của các trường chuyên cần phải chặt chẽ, chuẩn mực, không được để các yếu tố tiêu cực xen lẫn.

Ông Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thái Nguyên, cho rằng mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn của trường chuyên đã quy định rõ, nếu mở lớp không chuyên sẽ mâu thuẫn với quy định này. Hiện nay, một số địa phương có mở lớp không chuyên trong trường chuyên nhằm khai thác cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các tỉnh, thành hiện nay, rất nhiều trường học có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo tốt nên không nhất thiết phải mở lớp không chuyên trong trường chuyên chỉ để tận dụng các lợi thế này.

Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, nên hay không ? - Ảnh 4.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tại TP.HCM

sỹ đông

Nên đưa trường chuyên trở về đúng mục tiêu

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục VN, cho rằng dự thảo quy chế trường chuyên nên tập trung thay đổi để trường chuyên vận hành theo đúng mục tiêu, sứ mệnh của nó từ khi ra đời, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với mục tiêu ấy thì phải thay đổi, không nên chỉ coi trường chuyên là nơi phục vụ cho các kỳ thi HS giỏi quốc gia, quốc tế và coi những con số đó để đánh giá hiệu quả, thành tích của trường chuyên như hiện nay.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông VN, cho hay tại hội nghị tổng kết 10 năm về trường chuyên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh không nên tập trung nhiều cho hệ chuyên mà để mặc các nhóm trường khác.

Theo ông Ân, đã đến lúc phải thay đổi hệ thống chuyên theo hướng ít mà thực sự chất lượng, đào tạo tài năng chứ không phải tính đến chuyện ngày càng “phình” ra hệ thống trường chuyên bằng cách mở thêm trường, thêm lớp cận chuyên, chất lượng cao trong trường chuyên để thu hút người học dưới cái “mác” chuyên trong khi việc học vẫn nặng về truyền thụ, ôm đồm kiến thức, học để luyện thi đội tuyển.

Giáo dục các nước phát triển chỉ khuyến khích có các lớp hệ chuyên mà không đưa vào là chính sách quốc gia như ở nước ta. Do đó, giáo dục đại trà bị ảnh hưởng không nhỏ, đó là tạo ra sự bất bình đẳng trong các nhà trường về sự đầu tư của nhà nước, về hưởng thụ cơ sở vật chất công và năng lực sư phạm của người thầy. Học thêm nở rộ và khó quản lý, có nguyên nhân cả nước quá coi trọng hệ chuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.