Bộ máy cồng kềnh, ngốn tiền ngân sách

09/10/2017 08:17 GMT+7

Bộ máy hành chính của Việt Nam cồng kềnh, không hiệu quả, tác nhân ngốn hết nguồn lực chi đầu tư, là điểm nghẽn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.

1.000 dân nuôi 30,5 công chức, viên chức
Theo báo cáo của Ban Kinh tế T.Ư, hiện có gần 3 triệu công chức, viên chức (CCVC) đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy nhà nước, tương đương tỷ lệ 30,5 CCVC/1.000 dân. Con số này là quá cao so với các nước trong khu vực: Indonesia là 17,64; Philippines: 13,02; Singapore: 25,69…
Công chức nhiều dẫn tới mức chi trả ngân sách nhà nước (NSNN) quá lớn. Tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi NSNN và trên GDP ở VN hiện ở mức cao nhất trong khu vực, lên gần 10%.
Một chỉ số khác mà Ban Kinh tế T.Ư dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỷ lệ chi tiền lương/tổng chi NSNN ở VN cũng đứng đầu bảng với hơn 35% (xem biểu đồ).
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long, bộ máy hành chính của VN hiện hoạt động với hiệu quả chưa cao, tính chất phục vụ còn thấp và chậm cải thiện. Ở VN, cũng như các quốc gia khác, người dân và doanh nghiệp (DN) là chủ thể quan trọng nhất đóng góp vào ngân sách giúp duy trì hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, sau 3 thập niên đổi mới, nhiều ảnh hưởng của mô hình và tư duy quản lý nhà nước thời kỳ kế hoạch hóa tập trung vẫn còn tồn tại dai dẳng, tạo nên một bộ máy hành chính kém thân thiện với người dân và DN, nhất là với DN tư nhân.
Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính về thu chi ngân sách 9 tháng năm 2017, tổng chi NSNN từ đầu năm đến ngày 15.9 ước đạt 851,5 nghìn tỉ đồng, bằng 61,2% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 623 nghìn tỉ đồng, chiếm hơn 73% tổng chi ngân sách.
Chi thường xuyên bao gồm cả chi an sinh xã hội, chi lương, chi nuôi bộ máy. Điều đáng lo ngại, mức chi này tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Năm 2016, chi thường xuyên đạt gần 836.000 tỉ đồng trong tổng chi là 1.360.150 tỉ đồng; trong năm 2015 chi thường xuyên quyết toán 788.500 tỉ đồng trong tổng chi quyết toán là 1.265.625 tỉ đồng.
Nguồn: Ban kinh tế T.Ư - Đồ họa: Hồng Kỳ

Những số liệu này cho thấy chi thường xuyên đã áp đảo mọi khoản chi tiêu khác trong NSNN. Khoản chi này lớn đến nỗi chi đầu tư phát triển ngày càng co lại, thậm chí phải vay nợ để chi thường xuyên, không phù hợp với tinh thần của luật NSNN.
Dân làm chỉ để gánh lương, gánh nợ
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đưa ra con số thống kê, chi ngân sách năm 2016 đã tăng tới 10 lần so với năm 2001 về giá trị tuyệt đối. Điều đáng lo, trong khi tỷ lệ chi đầu tư phát triển giảm từ hơn 31% năm 2001 xuống 25,1% năm 2016 thì chi thường xuyên có xu hướng ngược lại (từ 55,16% tổng chi năm 2001 lên 65,75% tổng chi năm 2016), hiện con số này đã là 73%.
Đây cũng là vấn đề được ông Trương Bá Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhắc tới như là một trong những rủi ro của ngân sách hiện tại. Xu hướng tăng chi thường xuyên, theo ông sẽ tạo sức ép lên ngân sách thời gian tới khi nhà nước tiếp tục phải cải cách tiền lương, đẩy mạnh an sinh xã hội, tăng chi cho cơ sở hạ tầng.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - TS Cao Sĩ Kiêm lo ngại, nếu cứ tiếp tục bị bội chi thường xuyên cao như thế này để nuôi bộ máy thì sẽ đến lúc trần nợ công bị phá vỡ. Người dân đi làm chỉ để trả nợ, Chính phủ thì phải vay tiền về để chi ăn, chi nuôi CCVC. Do đó, ông Kiêm đề nghị phải gấp rút làm cuộc cách mạng tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy sao cho gọn nhẹ, hiệu quả kèm theo cơ chế giải trình trách nhiệm cao. Như vậy mới có thể thúc đẩy được phát triển và tăng trưởng.
TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đã đến lúc bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho CCVC tương xứng với giá trị sức lao động. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ quyết tâm cao giải quyết sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí CCVC đúng vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, phải kiên quyết chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập (khoảng 2,2 triệu người) theo đúng bản chất của đơn vị công.
Ông Lợi chia sẻ: “Việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản biên chế về số lượng nhưng phải đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC".
Thu Hằng (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.