'Bố mẹ muốn biết mật khẩu điện thoại của em, muốn kiểm soát mọi thứ'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/05/2022 19:06 GMT+7

Chất chứa những tâm sự, mong muốn của học sinh , từ rút ngắn khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái, mong xóa định kiến về tình yêu đồng giới, về việc không có con trai, về sở thích không giống bố mẹ thích...

Mới đây, Phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức buổi tọa đàm “Kết nối và sẻ chia” dành cho học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo ở cấp THCS.

Buổi tọa đàm gây xúc động và bất ngờ bởi học sinh không ngần ngại nói tất cả tâm sự, dù thầm kín

thế đại

Buổi tọa đàm được tổ chức sau thời gian quá dài học sinh phải ở nhà học trực tuyến để phòng dịch bệnh. Do vậy, đã thực sự “bùng nổ” bởi những tâm sự chất chứa của học sinh; gây bất ngờ, xúc động cho người tham dự khi mà học sinh không ngần ngại đứng lên để chia sẻ những tình cảm thầm kín, mong muốn của các em để có sự thấu hiểu hơn với bố mẹ, thầy cô, bạn bè...

Mở đầu buổi tọa đàm, bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, chia sẻ: "Quan trọng hơn, để mỗi em học sinh có mặt trong tọa đàm hôm nay có thể thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng nhất giá trị của bản thân mình, để các em luôn thấy xung quanh các em là bạn bè, thầy cô, cha mẹ, những người luôn đồng hành và cũng luôn sẵn sàng thay đổi để làm bạn với các em, để mỗi thầy cô, mỗi người cha, người mẹ chúng ta được các em tin cậy trao cơ hội là điểm tựa tinh thần cho các em khi gặp khó khăn".

Vì mục đích ấy, buổi tọa đàm dành phần lớn thời gian cho học sinh được nói, được đặt câu hỏi, tìm lời khuyên... thay vì người lớn đưa ra quá nhiều lời dạy bảo các em phải thế này, thế kia...

Điểm số lúc nào cũng phải “toán 10, văn 9”

Mở đầu phần dành cho học sinh chia sẻ, một học sinh nam nói lên suy nghĩ gần như bức xúc của mình về áp lực học hành trong tiếng vỗ tay không ngớt của bạn bè và thầy cô.

Em này cho rằng, dường như càng học giỏi thì áp lực càng cao, đòi hỏi của bố mẹ và bạn bè càng lớn. Điểm số lúc nào cũng phải “toán 10, văn 9”, còn nếu không được thì bố mẹ sẽ đặt ra hàng loạt câu hỏi “tại sao không”; bạn bè thì cười nhạo. “Đã áp lực vì bố mẹ mà còn bạn bè chê cười nữa, em phải làm sao?”, học sinh này thốt lên.

Học sinh này chia sẻ: Càng học giỏi càng bị áp lực lúc nào cũng phải đạt điểm cao

thế đại

Một nam sinh khác cũng không ngần ngại đứng lên nói về sai lầm của chính mình khi có thời gian em nghiện chơi game, bỏ bê việc học hành, bị bố mẹ trách mắng và đã bỏ nhà đi. Nay em đã bỏ được game và quay lại học nhưng bị chậm một năm. Tuy nhiên, đôi khi em vẫn bị ám ảnh bởi những sai lầm trong quá khứ...

Một nữ sinh nói em rất thích học vẽ nhưng khi đề xuất với mẹ thì lập tức bị mẹ từ chối phũ phàng với lý do “vẽ có ra được đồng nào không”. Do vậy, em rất buồn, tại sao mẹ không tôn trọng sở thích của con cái trong khi bố mẹ cũng có rất nhiều sở thích của mình?

Một nữ học sinh Trường THCS Lê Lợi như muốn khóc khi cho biết: Bố mẹ em luôn muốn kiểm soát điện thoại của em. Em chấp nhận mở điện thoại cho bố mẹ vào xem hoạt động của mình nhưng bố mẹ còn muốn biết mật khẩu điện thoại của em để có thể vào kiểm tra bất cứ lúc nào.

Cũng theo học sinh này, thậm chí bố mẹ còn can thiệp khá “thô bạo” khi vào đổi hết cài đặt của em trong điện thoại khiến em rất khổ sở, phiền phức vì không được sử dụng điện thoại của mình theo đúng ý mình.

Có mặt tại buổi tư vấn, PGS Trần Thành Nam, Trường ĐH Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng khoảng cách giữa hai thế hệ, bố mẹ và con cái, là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách này thì cần sự thấu hiểu, bao dung và dành thời gian cho nhau ở cả hai phía.

Theo ông Nam, cần tận dụng mọi cơ hội để cha mẹ và con cái có thể nói chuyện với nhau, tránh ai làm việc ấy, ai ở phòng người ấy khiến khoảng cách càng xa. Qua các buổi chuyện trò như vậy, các em cần mạnh dạn chia sẻ những mong muốn, sở thích của mình.

“Điều quan trọng là hai bên đều phải lắng nghe nhau. Từ “lắng nghe” rất hay ở chỗ phải lắng lại để nghe. Bỏ ra ngoài các lo toan, các vấn đề không liên quan khác để tập trung hoàn toàn vào nội dung của cuộc nói chuyện ấy thì sẽ tìm được sự thấu hiểu”, PGS Nam nói.

Với các bậc phụ huynh, ông Nam đề nghị, trong các cuộc nói chuyện với con, khi nghe con chia sẻ mong muốn hay bức xúc, bố mẹ cũng nên tuân thủ “4 không”: không hỏi, không chỉ trích, không cắt ngang, không nói “không".

Về việc bố mẹ muốn kiểm soát các thông tin trên điện thoại của con, PGS Nam chia sẻ dưới khía cạnh bố mẹ lo lắng con bị bắt nạt hoặc lừa đảo trên mạng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc kiểm soát “thô bạo” như đòi biết mật khẩu, cài đặt lại thông tin trên điện thoại của con là không nên.

Ông Nam gợi ý các bậc phụ huynh có thể đề cài đặt các phần mềm cảnh báo vào điện thoại của bố mẹ khi con mình đang vào các trang thông tin xấu, độc để ngăn chặn kịp thời.

Yêu đồng giới có phải do "có vấn đề về tâm lý?"

Nhiều câu hỏi về tình yêu đồng giới cũng được chính học sinh đặt ra tại buổi tọa đàm với tư cách là “người trong cuộc”. Một bạn nữ học lớp 7 chia sẻ, em đã đợi rất lâu để có nơi đặt câu hỏi này: làm thế nào để xóa bỏ định kiến của người lới về tình cảm đồng giới? Làm thế nào để bố mẹ hiểu con cái hơn khi khoảng cách thế hệ quá lớn?.

Một nữ sinh khác chia sẻ câu chuyện của bạn mình, bạn ấy tâm sự với em có tình cảm với một bạn nữ khác và bạn ấy rất hoang mang, không biết có phải mình đang mắc một vấn đề gì về bệnh lý hay không?...

Em này cho biết đã nói với bạn nếu cảm xúc ấy là thật thì đó là do tình cảm chứ không phải do có “vấn đề về tâm lý”. “Vậy, em trả lời bạn như vậy có đúng không?”, nữ sinh này đặt câu hỏi.

Một nữ sinh lớp 6 thì băn khoăn: em đang ở trong “quan hệ yêu đương” nhưng kết quả học tập thì lại chưa tốt. Vậy, em có nên tiếp tục tình cảm này không hay dừng lại?

Những băn khoăn và cả bức xúc về học tập, tình cảm được các em chia sẻ chân thực và chất chứa nỗi niềm

thế đại

PGS Nam cho rằng, việc các em có cảm xúc như tình yêu với bạn đồng giới hay khác giới đều đáng được tôn trọng. Các em cũng nên trân trọng cảm xúc của chính mình thay vì lo sợ đó là bệnh lý hay vấn đề gì về tâm lý.

Về tình yêu đồng giới, ông Nam nhấn mạnh, thời xa xưa, khi chưa có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thì người ta mới coi đây là một loại bệnh và tìm cách chạy chữa. Nhưng hiện nay thì đó là một xu hướng, sở thích cần được tôn trọng như tình cảm khác giới.

Dù khuyến khích học sinh trân trọng cảm xúc thực của mình nhưng ông Nam cũng cho rằng các em không nên dành quá nhiều thời gian, tâm trí cho tình yêu mà xao nhãng việc học hành, rèn luyện, vui chơi... phù hợp với lứa tuổi của mình.

Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Trưng Vương, cho rằng khó có thể đòi hỏi không có “định kiến” và không có khoảng cách giữa hai thế hệ. Điều quan trọng là bố mẹ và các con đều phải kiềm chế cảm xúc căng thẳng, bức xúc, bình tĩnh để chia sẻ, lắng nghe để dần thu hẹp định kiến giữa đôi bên.

Cũng liên quan đến vấn đề giới tính nhưng lại ở khía cạnh khác, một nữ sinh giới thiệu là học sinh lớp 6 Trường THCS Ngô Sỹ Liên, bày tỏ bức xúc khi người lớn hay phân biệt con trai, con gái. “Mỗi dịp em về quê, mọi người ở đó lại hay hỏi em mẹ có sinh bé trai không. Tại sao đến giờ vẫn có tư tưởng cổ hủ “trọng nam khinh nữ như vậy?”, nữ sinh này bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ, đây cũng là tâm lý và khác biệt giữa các thế hệ. Trước đây, bố mẹ cô cũng sinh 5 người con gái, không có con trai. Mỗi lần về quê, cả bố mẹ và các con đều rất căng thẳng trước các câu hỏi, bàn tán của họ hàng ở quê.

Bà Hà cũng kể trải nghiệm của bản thân khi bằng lứa tuổi học sinh của mình hiện nay, đó là không bức xúc hoặc phản ứng lại các câu hỏi của mọi người về việc bố mẹ không sinh con trai mà động viên bố mẹ nhiều hơn, cố gắng học thật tốt trong khả năng của mình, làm được nhiều việc giúp đỡ bố mẹ để mọi người thấy: “Có con gái thật tuyệt!”.

Làm sao để biết con tôi đang bị trầm cảm?

Buổi tọa đàm còn nhận được nhiều chia sẻ về tâm tư, tình cảm của các bậc cha mẹ với con mình.

Một phụ huynh có con học lớp 8 Trường THCS Trưng Vương cho biết: sau khi lắng nghe tâm sự, mong muốn của các con, bố mẹ thấy “biết ơn” vì các con đã chia sẻ. Thời gian qua, khi các con ở nhà gần 1 năm, bố mẹ thực sự đã phải “vật lộn” với con trong quá trình con học trực tuyến vì có quá nhiều cám dỗ trên mạng trong quá trình các con học trực tuyến...

Một phụ huynh khác lo lắng con đang học lớp 9, phải chịu áp lực về học hành, thi cử. Vậy làm thế nào để bố mẹ biết con đang bị trầm cảm và giúp con vượt qua áp lực học hành cũng như “khủng hoảng tuổi dậy thì”...

Các nhà giáo và chuyên gia tâm lý chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học sinh

thế đại

Bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên, cho rằng với việc thi vào lớp 10, bố mẹ kỳ vọng con vào trường tốp đầu là mong muốn chính đáng nhưng để giảm áp lực cho các con và chính bản thân thì bố mẹ cần cùng con đặt ra nhiều phương án khác nhau thay vì chỉ có một lựa chọn khiến các con căng thẳng.

“Ví dụ, nếu không đỗ trường A thì con sẽ vào trường B, không đỗ cả trường B thì sẽ có trường C cho con học...”, bà Hà nêu ví dụ.

PGS Nam nhắc lại, cần tăng cường các buổi nói chuyện, lắng nghe nhau giữa bố mẹ và con cái để nhận biết trẻ có những dấu hiệu bất thường về tâm lý trước khi diễn biến trầm trọng hơn.

Về điểm số, ông Nam cho rằng, thay vì áp đặt con phải có điểm cao thì chúng ta càng biết chấp nhận trẻ càng cố gắng và vượt lên chính mình. Trong cuộc sống, học tập các con sẽ phải đối diện với rất nhiều áp lực khác nhau ở mỗi giai đoạn khác nhau. Điều quan trọng là trang bị cho các con kỹ năng cân bằng để có thể đối diện và vượt qua những khó khăn, thử thách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.